Những dấu ấn của công tác thông tin đối ngoại

Trong hai năm qua, kể từ Hội nghị Ngoại giao 31 đến nay, công tác thông tin đối ngoại tiếp tục được Đảng ta xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phục vụ cho công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế đất nước.

Biến động của tình hình thế giới cùng sự phát triển của công nghệ thông tin đặt ra cả những cơ hội cũng như những thách thức mới, đòi hỏi công tác thông tin đối ngoại phải thích ứng, điều chỉnh để theo kịp với tình hình.

Các đại biểu đồng chủ trì Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, triển khai nội dung Kết luận số 57-KL/TW, ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới. (Ảnh: Anh Sơn)

Đổi mới cụ thể và mạnh mẽ

Tại Hội nghị Ngoại giao 31, Bộ Ngoại giao đã đề ra các biện pháp, phương hướng cụ thể, trong đó xác định “đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức triển khai thông tin đối ngoại, góp phần xây dựng sức mạnh mềm của đất nước”. Với sự đổi mới trong triển khai, công tác thông tin đối ngoại đã giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ, hiểu đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; chia sẻ, ủng hộ quan điểm của Việt Nam đối với những vấn đề quốc tế; quảng bá hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa của dân tộc và những thành tựu phát triển của đất nước.

Thứ nhất, củng cố, tăng cường, hoàn thiện công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp trong Bộ Ngoại giao với việc chủ động kiến nghị và được Chính phủ phê chuẩn, bổ sung nhiệm vụ “chủ trì triển khai tuyên truyền về các hoạt động đối ngoại” trong chức năng, nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao tại Nghị định số 81/2022/NĐ-CP năm 2022. Đồng thời xây dựng các đề án, kế hoạch về thông tin đối ngoại để các bộ, ban, ngành, địa phương và cơ quan đại diện triển khai thống nhất, đồng bộ, toàn diện…

Thứ hai, đẩy mạnh truyền thông về các hoạt động đối ngoại của Đảng, Lãnh đạo Nhà nước trên bình diện song phương và đa phương với nhiều hình thức triển khai mới, góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam, tạo dư luận trong nước và quốc tế ủng hộ Việt Nam. Những sự kiện đối ngoại lớn như chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc, việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, nâng tầm quan hệ với các nước khác cùng với việc mở rộng quan hệ ngoại giao lên 193 nước đã tạo cục diện đối ngoại thuận lợi, được tuyên truyền rộng rãi, giúp tạo sự đồng thuận của đông đảo quần chúng nhân dân đối với công tác đối ngoại, góp phần tăng cường hình ảnh, củng cố vị thế quốc tế của đất nước.

Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người Việt Nam, nhất là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, nền văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc; về con người Việt Nam thủy chung, thân thiện, nghĩa tình và yêu chuộng hòa bình; đồng thời, tích cực đấu tranh, phản bác hiệu quả với những thông tin sai sự thật, thiếu khách quan về tình hình chính trị – kinh tế – xã hội, những thông tin không có cơ sở về bảo đảm quyền con người của Việt Nam, những thông tin xâm phạm chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông và những thông tin bịa đặt, sai sự thật nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Từ ngày 16-18/9/2023, đại diện một số hãng thông tấn, báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam có chuyến đi thực tế tại tỉnh Đắk Lắk để tìm hiểu về tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Trong ảnh: Các phóng viên phỏng vấn giáo dân tại điểm nhóm sinh hoạt truyền giáo Cơ đốc ở nhà ông Ai Kiên tại buôn Mò Ó, xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thứ tư, đẩy mạnh công tác tranh thủ phóng viên nước ngoài, tạo “thương hiệu riêng” của Bộ Ngoại giao về sự hợp tác với phóng viên nước ngoài tại Việt Nam, qua kênh báo chí nước ngoài đưa thông tin mọi mặt tới cộng đồng quốc tế.

Trong hai năm qua, Bộ Ngoại giao đã phối hợp tổ chức 13 đoàn phóng viên nước ngoài thường trú tại Việt Nam và tùy viên báo chí các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam đi thực tế tại các địa phương với chủ đề, trọng tâm các chuyến đi đa dạng, phù hợp với nhu cầu tuyên truyền đối ngoại của từng địa phương, từng thời điểm, được các địa phương và đoàn đánh giá cao về ý nghĩa và hiệu quả. Hai năm qua, chúng ta đã đón hơn 500 đoàn phóng viên nước ngoài với gần 3.000 phóng viên vào Việt Nam.

Thứ năm, tích cực nghiên cứu các xu hướng truyền thông, từng bước triển khai chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái mạng xã hội trong Bộ Ngoại giao, tổ chức các hình thức thông tin trực tuyến, số hóa các thủ tục hành chính liên quan để kịp thời điều chỉnh nội dung, phương thức tuyên truyền, đưa những thông tin, hình ảnh về Việt Nam đến đông đảo hơn tới nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.

“Kim chỉ nam” thời gian tới

Trong những năm tới, cạnh tranh trên mặt trận thông tin sẽ ngày càng quyết liệt hơn, sự thay đổi trong môi trường truyền thông sẽ diễn ra nhanh chóng hơn.

Trước những thách thức gay gắt và yêu cầu ngày càng cao, Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới được ban hành, mang ý nghĩa “kim chỉ nam”, tạo khuôn khổ mới cho việc triển khai công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.

Với phương châm “chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả”, bên cạnh những nhiệm vụ và hoạt động thường xuyên, trong thời gian tới, triển khai những chỉ đạo, định hướng, tinh thần mới của Hội nghị Ngoại giao 32, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trong tâm sau:

Người phát ngôn, Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ ngoại giao về tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại, đặt thông tin đối ngoại song hành cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, từ đó chủ động, tích cực triển khai và phối hợp “hiệp đồng tác chiến” giữa các đơn vị trong Bộ, giữa trong nước với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, giữa Bộ Ngoại giao và các đơn vị trong binh chủng thông tin đối ngoại như Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thứ hai, tiếp tục sáng tạo nội dung, đổi mới phương thức, hình thức triển khai theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bắt kịp xu thế; coi chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết.

Thứ ba, chú trọng tuyên truyền trong những vấn đề là thế mạnh, là “đặc sản” của Bộ Ngoại giao như các hoạt động đối ngoại của Việt Nam, đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, công tác bảo hộ công dân… ; xây dựng những câu chuyện truyền thông ấn tượng và thuyết phục với mục tiêu đưa thông tin, hình ảnh tích cực về Việt Nam tới được ngày càng nhiều công chúng thế giới.

Thứ tư, tiếp tục nâng cao chất lượng theo dõi, nghiên cứu, dự báo dư luận, để tăng cường tuyên truyền đối ngoại về những nội dung tích cực, nội dung dư luận quan tâm, đồng thời đấu tranh hiệu quả với những thông tin tiêu cực, những luận điệu xuyên tạc, chống phá Việt Nam.

Thứ năm, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ về thông tin, truyền thông đối ngoại.

Trên tinh thần Kết luận 57-KL/TW của Bộ Chính trị, với sự chỉ đạo sát sao, xuyên suốt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Ngoại giao, với sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong Bộ và giữa trong nước với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, với sự hiệp đồng với các lực lượng chủ công trong binh chủng thông tin đối ngoại, công tác này chắc chắn sẽ có những bước tiến mới, đóng góp xứng đáng vào những thành tựu của ngành ngoại giao nói riêng và của đất nước nói chung.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *