Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh 2023: Hợp tác quốc tế vì phát triển bền vững

Các ý kiến tham luận cũng như trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (HEF) 2023 ngày 15/9 đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đồng hành giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế trong quá trình chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Việt Nam-Bỉ đi cùng nhau trong chuyển đổi xanh

Ông Jan Jambon, Bộ trưởng – Thủ hiến Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, văn hóa, công nghệ thông tin và quản lý cơ sở vật chất vùng Flanders (Bỉ) phát biểu tại HEF 2023. (Nguồn: SGGP)

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh sáng 15/9, ông Jan Jambon, Bộ trưởng – Thủ hiến Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, văn hóa, công nghệ thông tin và quản lý cơ sở vật chất vùng Flanders (Bỉ), cho biết, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây 50 năm (22/3/1973), quan hệ giữa Bỉ và Việt Nam không ngừng được củng cố và phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. “Điều tuyệt vời là trong quá trình chuyển đổi xanh, chúng ta không đứng một mình mà đi cùng nhau”, ông nhấn mạnh.

Cho rằng TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung đóng vai trò ngày càng quan trọng vào sự phát triển chung của khu vực, thể hiện rõ nét một nền kinh tế năng động, sáng tạo, ông Jan Jambon chia sẻ thêm: 8000000000060″Đối với vùng Flanders có ngành công nghiệp hóa dầu lớn và Bỉ cũng phải đối diện với những áp lực về môi trường. Tuy vậy, chúng tôi nỗ lực dành một lượng lớn GDP cho đổi mới công nghệ, bảo vệ môi trường, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)”.

Thông qua công nghệ, “chúng tôi từng bước giải quyết được những vấn đề phức tạp, tái chế được gần 50% lượng rác thải các loại ra môi trường”.

Theo diễn giả đến từ vùng Franders, “trên hết, các yếu tố gồm chính sách, cơ chế bền vững sẽ giúp cho quá trình giảm phát thải ròng, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn từng bước đạt hiệu quả; góp phần truyền cảm hứng cho các quốc gia, các vùng, lãnh thổ trên thế giới”.

Thượng Hải “bắt tay” TP. Hồ Chí Minh hợp tác về chuyển đổi xanh

Bà Tôn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) phát biểu tại HEF 2023. (Nguồn: SGGP)

Trong tham luận “Chính sách trong xây dựng tăng trưởng xanh hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng không và sứ mệnh của doanh nghiệp” tại Diễn đàn, bà Tôn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) chia sẻ câu chuyện của Thượng Hải – một thành phố “đầy năng lượng” và phân bổ tài nguyên toàn cầu một cách hiệu quả, giúp các doanh nghiệp và ngành công nghiệp sáng tạo phát triển.

Là một trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm vận tải quốc tế, trung tâm khoa học công nghệ, Thượng Hải cũng là một thành phố xanh, thấp carbon và thân thiện với môi trường. Chuyển đổi xanh và thấp carbon đối với Thượng Hải có ý nghĩa to lớn trong việc giảm nhiệt độ toàn cầu, đảm bảo an ninh năng lượng và thực hiện phát triển bền vững.

Theo bà Tôn Minh, từ khi Thượng Hải và TP. Hồ Chí Minh trở thành thành phố kết nghĩa vào năm 1994, hai bên đã tiến hành trao đổi và hợp tác trong nhiều lĩnh vực và đặc biệt, “có nhiều khả năng hợp tác trong việc chuyển đổi xanh và thấp carbon trong tương lai. Chúng ta hãy cùng làm việc và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển xanh và thấp carbon”, bà Tôn Minh nhấn mạnh.

Samsung Engineering quan tâm dự án môi trường

Ông Han Sang Deog, Phó Tổng giám đốc điều hành Samsung Engineering Việt Nam. (Ảnh: Tuệ Minh)

Ông Han Sang Deog, Phó Tổng giám đốc điều hành Samsung Engineering Việt Nam đánh giá, thời gian qua, Việt Nam là một quốc gia đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội và sẽ cần phải tiếp tục duy trì sự phát triển này trong tương lai. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghiệp dẫn đến một vấn đề không thể tránh khỏi, đó là ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, Việt Nam cần phải nỗ lực để hiện thực hóa cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Để giải quyết cả ba thách thức này, Samsung Engineering đang đề xuất một chiến lược mang tên “Tổ hợp môi trường tích hợp” cho các dự án môi trường tại Việt Nam. Đây là một khu phức hợp môi trường kinh tế tuần hoàn, tích hợp xử lý nước thải, xử lý chất thải và khí sinh học thành một khu phức hợp và sử dụng năng lượng tự sản xuất mà không cần sử dụng đến nguồn năng lượng từ bên ngoài.

Đối với hợp tác với TP. Hồ Chí Minh nói chung và doanh nghiệp Thành phố nói riêng, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ông Han Sang Deog cho biết, Samsung Engineering từ lâu đã quan tâm và xem xét đầu tư vào lĩnh vực xử lý nước thải và đốt rác phát điện nhằm giải quyết vấn đề môi trường tại Thành phố. “Samsung Engineering sẽ hợp tác với UBND Thành phố để đầu tư vào các dự án môi trường có thể cải thiện môi trường sống của người dân”, ông Han Sang Deog khẳng định.

NHÓM PV – baoquocte.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *