Sinh hoạt khoa học “Bản sắc đô thị và không gian sống tạm thời ở Jakarta hiện đại”

Sinh hoạt khoa học “Bản sắc đô thị và không gian sống tạm thời ở Jakarta hiện đại”

Sáng 21/4/2022, Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN (CAHRRT) đã phối hợp cùng Trung tâm nghiên cứu Đô thị sáng tạo Lý Quang Diệu (Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore), Bộ môn Văn hóa và phát triển cộng đồng đô thị, Khoa Đô thị học và Hội hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM tổ chức buổi sinh hoạt khoa học với chủ đề “Bản sắc đô thị và không gian sống tạm thời ở Jakarta hiện đại”.

Tham dự buổi sinh hoạt khoa học gồm có:

Về phía Trung tâm nghiên cứu đô thị sáng tạo Lý Quang Diệu: TS. Jose Rafael Martinez GARCIA; ông Phan Hoàng Long;
Về phía Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN: PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân – Giám đốc trung tâm, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á TP.HCM, Trưởng Bộ môn Văn hóa và phát triển cộng đồng đô thị; CN. Lê Nguyễn Ái Huyền – Thư ký hành chính; CN. Đoàn Kim Cúc – NCV trung tâm;
Hội hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á TP.HCM: TS. Ngô Bích Thu – Chi hội trưởng Chi hội ĐH Mở TP.HCN; Trưởng bộ môn Đông Nam Á học, Khoa Xã hội học – công tác xã hội, ĐNA, Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh; thầy Nguyễn Văn Lùng – phụ trách công tác sinh viên khoa.
Cùng các bạn sinh viên có quan tâm đề tài.
Sau hơn 2 giờ sinh hoạt, TS. Jose Rafael Martinez GARCIA đã đưa ra những dữ liệu phong phú và thông tin đa chiều có được từ quá trình nghiên cứu, quan sát tham dự và phỏng vấn sâu của ông về không gian và đời sống tạm thời (provisional life) ở Jakarta (Indonesia). Trong quá trình phát triển đô thị, đặc biệt là sau chiến lược phát triển đô thị thông minh từ năm 2014 của chính quyền Indonesia, Jakarta được chọn để phát triển thành đô thị thông minh, kết nối toàn quốc và toàn cầu, trong đó nhà nước sẽ quản lý và giải quyết mọi vấn đề của đô thị dựa trên ứng dụng công nghệ hiện đại. Khi mọi khía cạnh đều được lưu trữ bằng tài liệu, số hóa, tồn tại hợp pháp dưới sự quản lý của nhà nước như vậy gọi là thành phố chính thức. Thế nhưng không chỉ có thành phố chính thức, vẫn còn một dạng thức khác của đô thị là thành phố không chính thức hay thành phố tạm thời với những không gian và con người tạm thời. Thuật ngữ “không gian tạm thời” có thể nói là xuất phát từ những năm 1990, nhất là năm 1998 khi khủng hoảng kinh tế diễn ra ở Indonesia khiến nhiều người bị mất việc. Họ phải chuyển sang buôn bán vỉa hè; bên cạnh đó còn có một lực lượng không nhỏ di dân từ nông thôn lên thủ đô Jakarta và điều này đã tạo ra những không gian tạm thời.

Những ý chính về không gian tạm thời của đô thị được TS. Jose Rafael trình bày trong buổi sinh hoạt xoay quanh những ý sau:

Khái niệm “không gian tạm thời”
Không gian tạm thời là kết quả của sự tính toán kỹ lưỡng chứ không phải là sự ngẫu nhiên. Không gian này tồn tại ngay trung tâm của đô thị, giữa những dòng người tấp nập để tận dụng những cơ hội có thể khai thác. Nó được tạo dựng bằng những vật liệu phổ thông hoặc tái chế và bằng chiến lược của những người tạo ra. Chiến lược được thể hiện qua việc cân nhắc, lựa chọn màu sắc, vật liệu, cách bố trí không gian đều dựa trên đặc điểm cảnh quan xung quanh nhằm ít thu hút ánh nhìn hay sự chú ý và nhờ vậy, nó có đặc tính vô hình, ít hoặc không mâu thuẫn, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Con người sống trong “không gian tạm thời”
Con người sống cuộc sống tạm thời trong không gian tạm thời thay đổi theo giờ trong ngày, theo ngày trong tuần và theo mùa trong năm. Họ không có giấy tờ hay cơ sở pháp lý để sống trong thành phố, họ chỉ ở lại thành phố trong thời gian ngắn. Họ có thể ở một vùng quê nhỏ và vào Jakarta làm việc vài ngày trong tuần rồi lại trở về quê. Một Jakarta đông đúc vào ngày làm việc sáng thứ hai và thưa vắng vào cuối tuần là ví dụ điển hình cho sự biến động số người này. Họ đa phần là những người thu nhập thấp, có thể chia thành hai nhóm, nhóm 1 vào thành phố làm xây dựng, sản xuất, dịch vụ, làm việc cho nhà nước và nhóm 2 là những người nhập cư tự phát, buôn bán đường phố. Những người buôn bán trên đường phố cung cấp những dịch vụ thiết yếu như ăn uống… cho những người sống tạm thời trong thành phố. Trong khi nhóm 1 đóng vai trò quan trọng cho kinh tế của Jakarta, nhóm 2 lại là thành phần rất quan trọng đáp ứng nhu cầu cuộc sống tạm thời của nhóm 1. Điều này tạo ra cơ sở hạ tầng tạm thời và nền tảng không gian tạm thời để hỗ trợ cuộc sống tạm thời ở Jakarta.

Cuộc sống tạm thời
Điều dễ bắt gặp trên đường phố Jakarta là hình ảnh những người ăn mặc sang trọng nhưng lại ăn uống ở những hàng sạp tạm thời. Họ bị trêu là những người đàn ông của đại lộ Sudirman. Thế nhưng với họ, làm việc ở Jakarta không chỉ vì vấn đề tài chính mà còn là uy tín, họ đang làm việc ở thủ đô Jakarta chứ không phải một nơi lạc hậu nào khác nên phải mặc quần áo chỉnh chu để thể hiện điều đó. Trớ trêu là mức lương lại không đủ để có thể sử dụng các dịch vụ sang trọng của thành phố. Một khẳng định chắc nịch của những người sống cuộc sống tạm thời là cuộc sống này của họ chỉ mang tính tạm thời, sẽ sớm thay đổi trong khi họ chờ đợi những cơ hội mới ở tương lai.

Địa lý cá nhân
Những người sống tạm thời hiểu thành phố theo một cách khác so với những cư dân bình thường. Vì cuộc sống của họ mang tính tạm thời và di động nhanh nên họ sắp xếp cuộc sống hằng ngày dựa trên địa lý cá nhân. Địa lý cá nhân là mạng lưới các địa điểm quen thuộc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng các nhu cầu cầu cuộc sống như ăn ở, vệ sinh…mà những người sống tạm thời thường xuyên lui tới trong lúc họ ở tạm thời trong thành phố.

Tóm lại, thành phố tạm thời là công cụ để bù đắp vào những thiếu sót, lỗ hỏng, giảm thiểu rủi ro, tạo ra cấu trúc giúp đỡ người dân (cụ thể là những người nhập cư tạm thời trong đô thị) và là một nơi tạo ra những tương tác giữa người với người trong xã hội bên cạnh không gian chính thức. Cuộc sống tạm thời không phải vĩnh viễn. Những người sống tạm thời cho rằng họ chỉ đang ở trong một giai đoạn của cuộc đời và chờ đợi sự chuyển dịch sang dấu mốc mới với những cơ hội mới.

Tổng kết buổi sinh hoạt, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân gửi lời cám ơn chân thành vì sự chia sẻ nhiệt tình và nghiên cứu đầy thú vị của TS. Jose Rafael. Từ nghiên cứu của TS. Jose Rafael, cô cũng rút ra một số bài học kinh nghiệm nghiên cứu cho các bạn sinh viên Việt Nam. Cả cô Hồng Xuân và TS. Jose Rafael đều hy vọng sẽ sắp xếp được thời gian để có chia sẻ thêm các kết quả nghiên cứu mà trong giới hạn thời gian của buổi sinh hoạt hôm nay chưa giới thiệu được đến mọi người.

Cũng trong ngày 21/4/2022 nằm trong chuỗi các hoạt động bổ trợ giúp các nhóm thí sinh vào vòng 3 của cuộc thi thực hiện bài nghiên cứu đạt được những kết quả nghiên cứu chất lượng, Ban tổ chức tiếp tục có buổi trao đổi với thí sinh tham gia vòng 3 cuộc thi “Thành phố thông minh trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” nhằm định hướng, giải đáp những vướng mắc, khó khăn cho các bạn sinh viên; giới thiệu nhà khoa học trong nước và quốc tế hỗ trợ chuyên môn cho các nhóm.

Sau đây là một số hình ảnh của buổi sinh hoạt học thuật:

Hình 1. TS. Jose Rafael trình bày nội dung nghiên cứu
Hình 2. Không gian tạm thời ở Jakarta
Hình 3. Anh Phan Hoàng Long phiên dịch nội dung của diễn giả
Hình 4. BTC, khách mời và SV tham dự chụp ảnh kỷ niệm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *