Trong 6 tháng cuối năm 2023, các cơ quan thông tin sẽ tăng cường, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ truyền thông mới trong thông tin đối ngoại, đấu tranh dư luận.
Các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại cần tiếp tục quán triệt chủ trương “tăng cường thông tin đối ngoại” và “tăng cường, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ truyền thông mới trong thông tin đối ngoại, đấu tranh dư luận.”
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin Đối ngoại tại Hội nghị Sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2023, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.
Hội nghị diễn ra chiều 5/7 tại Trụ sở Thông tấn xã Việt Nam.
Lan tỏa thông tin tích cực về Việt Nam
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; ở trong nước, kinh tế-xã hội đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin Đối ngoại đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức bài bản, chủ động, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong cả nước.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin Đối ngoại Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới theo Kết luận số 57-KL/TW ban hành ngày 15/6/2023. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
“Công tác thông tin đối ngoại đã bám sát các nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, đối ngoại của Đảng, nội dung thông tin toàn diện, khách quan, cân bằng; phương thức, hình thức thông tin đa dạng, ứng dụng hiệu quả các phương thức truyền thông mới, duy trì và tiếp tục thúc đẩy luồng thông tin tích cực về Việt Nam của dư luận quốc tế,” ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói.
[“Ngoại giao cây tre”: Hòa bình để phát triển là mục tiêu cao nhất]
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh công tác thông tin đối ngoại đã giúp các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế hiểu rõ, tin tưởng và đánh giá cao về thành tựu phát triển đất nước ta trong chặng đường nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII vừa qua.
Qua đó, thông tin đối ngoại góp phần khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế, quảng bá hình ảnh một đất nước Việt Nam độc lập, tự chủ, giàu bản sắc văn hóa, tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác thông tin đối ngoại nói chung và hoạt động của Ban Chỉ đạo nói riêng còn một số hạn chế, như: Tình trạng báo chí đưa tin thiếu khách quan vẫn còn tồn tại; việc đổi mới phương thức thông tin đối ngoại chưa được triển khai đồng đều giữa các cơ quan, địa phương; chưa phát huy được sự tham gia tích cực của các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới theo Kết luận số 57-KL/TW ban hành ngày 15/6/2023.
Đây là văn bản pháp lý quan trọng, khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng về vai trò, tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại; có tính chất định hướng chiến lược, là cơ sở để các cơ quan, đơn vị triển khai xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách, bộ máy cho công tác thông tin đối ngoại.
Trong 6 tháng cuối năm, hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin Đối ngoại Trung ương và các lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại phát huy vai trò trong công tác chính trị tư tưởng, đối ngoại như tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại Toàn quốc năm 2021 và mới nhất là Kết luận số 57 của Bộ Chính trị.
“Thông tin đối ngoại cần đổi mới tư duy và phương thức triển khai; tăng cường chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo, phối hợp; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, xuyên tạc, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác nghiên cứu, dự báo và khả năng, cơ chế phản ứng nhanh trước những chuyển biến chiến lược của môi trường quốc tế và khu vực,” ông Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu.
TTXVN: Cơ quan thông tin đối ngoại chủ lực
Trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, thông tin đối ngoại đã góp phần quan trọng vào những thành tựu của đất nước trên nhiều lĩnh vực. Cùng với các lực lượng làm công tác đối ngoại, thông tin đối ngoại của Thông tấn xã Việt Nam đã phản ánh đầy đủ, toàn diện các vấn đề, sự kiện ở trong nước và thế giới, tạo tiếng nói đồng thuận, sự ủng hộ của dư luận trong và ngoài nước đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đưa hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Phát biểu tại hội nghị, bà Vũ Việt Trang, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam khẳng định Thông tấn xã Việt Nam ngày càng phát huy vai trò của cơ quan thông tin đối ngoại chủ lực quốc gia; chủ động, sáng tạo, không ngừng đổi mới nội dung và hình thức thể hiện để tăng sự lan tỏa và nâng cao hiệu quả của thông tin đối ngoại.
Theo Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang: “Thông tin đối ngoại của Thông tấn xã Việt Nam không chỉ ở trên các ấn phẩm của đơn vị mà đang tiếp tục được đăng tải trên các sản phẩm thông tin của hơn 40 hãng thông tấn đối tác thông qua cơ chế trao đổi thông tin song phương và đa phương.” (Ảnh: An Đăng/TTXVN)
Bà Vũ Việt Trang trình bày về hoạt động thông tin đối ngoại tại Thông tấn xã Việt Nam, bao quát toàn diện các chủ đề: Tuyên truyền chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước; các hoạt động đối ngoại quan trọng; việc triển khai các nghị quyết, chính sách về phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; những thành tựu về dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo; bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo; an sinh xã hội; phát huy giá trị văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; thực hiện nhiều tin/bài đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, kịp thời chỉnh hướng dư luận nhằm góp phần ổn định xã hội.
Các đơn vị thông tin đối ngoại của Thông tấn xã Việt Nam tăng cường thực hiện thông tin đa phương tiện, đăng tải trên nhiều nền tảng Internet và mạng xã hội nhằm lan tỏa thông tin, đáp ứng cách tiếp cận mới của công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
Theo Tổng Giám đốc Vũ Việt Trang, thông tin đối ngoại của Thông tấn xã Việt Nam đang tiếp tục được đăng tải trên các sản phẩm thông tin của hơn 40 hãng thông tấn đối tác thông qua cơ chế trao đổi thông tin song phương và đa phương.
Hiện nay, Thông tấn xã Việt Nam đã triển khai các công việc với vai trò là Cơ quan thường trực Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại lần thứ IX. Giải đang thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan báo chí, các tổ chức và cá nhân ở trong và ngoài nước.
Tại hội nghị, bà Vũ Việt Trang cũng nêu những khó khăn của số đơn vị thông tin đối ngoại trong bối cảnh nguồn thu từ quảng cáo giảm, nguồn thu từ phát hành báo in cũng ngày càng ít do công chúng chuyển sang cách tiếp cận thông tin mới.
Bà Vũ Việt Trang đề nghị các bộ, ngành, các cơ quan quản lý báo chí quan tâm hơn nữa việc xây dựng các cơ chế về nhân lực và tài chính phù hợp để các cơ quan chủ lực về thông tin đối ngoại có điều kiện phát triển ngang tầm nhiệm vụ; tăng cường đặt hàng sản phẩm thông tin đối ngoại để báo chí đảm bảo nguồn tài chính ổn định./.
Minh Thu (Vietnam+)