Việt Nam đã thể hiện sự chuẩn bị nghiêm túc và cởi mở với đối thoại quốc tế khi tham gia phiên đối thoại UPR.
Ngày 7/5 vừa qua, Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã rất thành công với sự tham gia của đông đảo các nước thành viên Liên hợp quốc (LHQ).
Nhân dịp này, Báo Thế giới & Việt Nam trò chuyện cùng Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam Pauline Tamesis về những nỗ lực nghiêm túc, cởi mở của Việt Nam qua các chu kỳ UPR.
Bà nhận định như thế nào về phiên Đối thoại UPR của Việt Nam (ngày 7/5) với sự tham gia của nhiều nước thành viên LHQ?
Trong phiên đối thoại UPR lần thứ IV, Việt Nam đã nhận được 320 khuyến nghị từ 133 quốc gia. Các quốc gia khác trong cùng phiên đối thoại nhận được ít hơn 100 khuyến nghị từ các nước thành viên.
So với chu kỳ UPR lần thứ III, số lượng khuyến nghị tại chu kỳ IV từ các quốc gia thành viên đã tăng 10%, từ 291 lên 320.
Đây là những tín hiệu rất tích cực.
Những con số này cho thấy sự quan tâm lớn từ các quốc gia thành viên LHQ trong việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tiếp tục thúc đẩy quyền con người.
Điều này cho thấy tầm quan trọng chung mà chúng tôi, với tư cách cộng đồng quốc tế, hướng tới sự phát triển bao trùm và bền vững.
Việc mở rộng và tăng cường sự tham gia của các bên liên quan trong hoạt động tương lai sẽ không kém phần quan trọng. Đảm bảo sự tham gia của toàn xã hội trong suốt quá trình là điều then chốt, đặc biệt ở cấp quốc gia, tỉnh và địa phương.
Rõ ràng, Việt Nam rất coi trọng cơ chế UPR cũng như các nguyên tắc minh bạch, khách quan, đối thoại và hợp tác của cơ chế này?
LHQ nhận thức rằng, mỗi quốc gia đều có con đường phát triển độc lập, dựa trên hoàn cảnh và điều kiện riêng; cũng như dựa trên các thế mạnh và thách thức đặc thù. Mỗi quốc gia cần có con đường riêng hướng tới phát triển bao trùm và bền vững hơn trong thúc đẩy quyền con người cho tất cả thành viên xã hội.
Đồng thời, như Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã nhấn mạnh trong các bài phát biểu của mình, có những hoạt động nhất định giúp thúc đẩy và tăng cường việc tôn trọng quyền con người phổ quát.
Một trong những ví dụ mà ông nêu bật là việc có một khung pháp lý mạnh mẽ lấy nhân quyền làm trung tâm. Thứ trưởng cũng lưu ý rằng, phát triển kinh tế – xã hội bao trùm và xanh, cũng như giảm nghèo đa chiều có đóng góp đáng kể vào thúc đẩy quyền kinh tế và xã hội. Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam đạt nhiều tiến bộ.
Khi nghiên cứu phát biểu và khuyến nghị từ 133 quốc gia thành viên LHQ, chúng tôi nhận thấy rằng, các vấn đề này xuất phát từ môi trường kinh tế – xã hội và chính trị đa dạng. Song chúng tôi cũng tìm ra nhiều điểm đồng thuận trong các khuyến nghị của họ.
Ví dụ, 47 quốc gia đưa ra khuyến nghị về bình đẳng giới, nâng cao quyền cho phụ nữ và phòng chống bạo lực giới. Phái đoàn Việt Nam nhận định đây là ưu tiên của mình, nhấn mạnh việc thông qua Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 và một số kế hoạch hành động tổng thể về phòng, chống bạo lực giới, bạo lực gia đình.
Nhiều quốc gia cũng đưa ra khuyến nghị về việc điều chỉnh áp dụng án tử hình ở Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế. Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt ghi nhận số lượng lớn các khuyến nghị về vấn đề này. Ông giải thích, dù điều kiện hiện tại ở Việt Nam chưa cho phép bãi bỏ hoàn toàn, nhưng Việt Nam đang tiến hành các bước để giảm số lượng tội phạm chịu hình phạt này và tăng cường biện pháp bảo vệ trong việc kết án và thi hành án.
Vì vậy, trong khi mỗi quốc gia chọn con đường phát triển riêng, vẫn có những biện pháp có thể tăng cường sự tuân thủ của các nước thành viên LHQ đối với các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế mà họ phê chuẩn.
Việc có một cuộc đối thoại mang tính xây dựng về cách mỗi quốc gia có thể thúc đẩy và bảo vệ các quyền xã hội, kinh tế, dân sự và chính trị cơ bản theo hoàn cảnh riêng – là mục đích và trọng tâm của chu kỳ rà soát UPR.
Thưa bà, phiên đối thoại này phản ánh như thế nào những nỗ lực và cam kết của Việt Nam với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025?
Việt Nam đã thể hiện sự chuẩn bị nghiêm túc và cởi mở với đối thoại quốc tế khi tham gia phiên đối thoại UPR.
Phái đoàn Việt Nam cho biết, Việt Nam sẵn sàng xem xét các phát biểu và khuyến nghị từ các quốc gia thành viên khác theo cách xây dựng và hợp tác.
Sự cởi mở trong đối thoại quốc tế về nhân quyền thể hiện nỗ lực của Việt Nam với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.
Việt Nam đã tích cực tham gia vào diễn đàn đa phương này, dẫn đầu các sáng kiến như kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế và đồng tài trợ các nghị quyết hằng năm về quyền con người và biến đổi khí hậu.
Đầu năm nay, Ngài Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tuyên bố Việt Nam sẽ tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2026-2028.
Điều này cho thấy Việt Nam sẵn sàng tiếp tục đảm nhận trách nhiệm quan trọng của thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Trách nhiệm này bao gồm việc thể hiện những nỗ lực cụ thể nhằm bảo vệ và thúc đẩy các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị phù hợp với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và các hiệp ước nhân quyền mà Việt Nam phê chuẩn.
Sự cởi mở trong đối thoại quốc tế về nhân quyền thể hiện nỗ lực của Việt Nam với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.
Việt Nam đã tích cực tham gia vào diễn đàn đa phương này, dẫn đầu các sáng kiến như kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế và đồng tài trợ các nghị quyết hàng năm về quyền con người và biến đổi khí hậu.
Thời gian qua, LHQ đã tham gia và hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình UPR như thế nào?
Giống các chu kỳ UPR trước, Nhóm các tổ chức của LHQ tại Việt Nam đã nỗ lực hỗ trợ Chính phủ và nhân dân Việt Nam thúc đẩy một quá trình UPR thiết thực, hướng đến kết quả và bao trùm.
Chúng tôi làm điều này trong khuôn khổ khung Hợp tác Chiến lược LHQ-Việt Nam giai đoạn 2022-2026 và phù hợp với vai trò tiêu chuẩn của LHQ tại tất cả các quốc gia trải qua quy trình xem xét UPR.
Hỗ trợ của chúng tôi tập trung vào hai lĩnh vực:
Thứ nhất và quan trọng nhất, là tạo điều kiện cho nhiều bên liên quan tham gia trong suốt quy trình UPR.
Trên thế giới, sự tham gia có ý nghĩa của các tổ chức xã hội-chính trị và chuyên môn đa dạng, các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng và các nhóm dễ bị tổn thương trong quy trình UPR là một phần không thể thiếu trong nhiệm vụ của LHQ nhằm đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong đó bao gồm thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi, dân tộc thiểu số, người di cư, người LGBTI và người khuyết tật.
Chúng tôi hy vọng trong các bước ưu tiên và thông qua khuyến nghị sắp tới, các nỗ lực để đảm bảo sự tham gia các nhóm này có thể được tăng cường. LHQ sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đạt mục tiêu đó.
Lĩnh vực thứ hai là cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật giúp thúc đẩy việc thực hiện các khuyến nghị UPR.
Các hỗ trợ kỹ thuật nêu trên phù hợp với các ưu tiên chung được đồng thuận trong khuôn khổ Khung hợp tác chiến lược của chúng tôi với Việt Nam, cụ thể là phát triển xã hội bao trùm; ứng phó biến đổi khí hậu, khả năng chống chịu thiên tai và môi trường bền vững; thịnh vượng chung thông qua chuyển đổi kinh tế; và quản trị – tiếp cận công lý.
Thông qua các chương trình hợp tác phát triển của LHQ tại Viêt Nam, chúng tôi tiếp tục đóng góp vào việc thực hiện các khuyến nghị UPR.
Các chương trình của chúng tôi nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và chống bạo lực giới, tăng cường hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em, củng cố các hệ thống bảo trợ xã hội, thúc đẩy quyền và sự tham gia của người khuyết tật, và chống buôn bán người.
Ngoài ra, chúng tôi cũng cung cấp phản hồi và tư vấn kỹ thuật cho Chính phủ Việt Nam về các ưu tiên để thúc đẩy con đường riêng, đảm bảo chủ quyền hướng tới việc mở rộng sự tôn trọng các quyền con người.
Chúng tôi cảm thấy biết ơn và vinh dự được đóng vai trò đó trên nền tảng hơn 45 năm hợp tác tin cậy và rất hiệu quả giữa LHQ và Việt Nam.
Xin cảm ơn bà!
Theo baoquocte.vn