Hội thảo “Pháp-Việt hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0″ là cơ hội cho Pháp và Việt Nam khám phá tiềm năng hợp tác và phát triển sự hợp tác trong lĩnh vực phát triển xanh.
“Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là lựa chọn tất yếu để vừa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, vừa góp phần đảm bảo cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh một môi trường sống lành mạnh và vì sự phát triển bền vững.”
Đó là khẳng định của ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố tại Hội thảo quốc tế “Pháp-Việt Nam hướng đến mục tiêu phát thải bằng 0” do Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức chiều 6/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Võ Văn Hoan cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục-đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Để giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, từng bước trở thành trung tâm kinh tế của khu vực Đông Nam Á, Thành phố đang tập trung cải thiện chất lượng tăng trưởng, nâng cao hàm lượng khoa học-công nghệ, giá trị gia tăng và từng bước chuyển đổi nền kinh tế theo hướng “số” và “xanh.”
Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững giai đoạn 2021-2030; phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế tuần hoàn trên giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030, tạo căn cứ pháp lý quan trọng để chuyển đổi các hoạt động sản xuất và dịch vụ theo hướng phát thải carbon thấp, xanh, sạch và thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, ông Võ Văn Hoan cho rằng thực trạng tăng trưởng xanh của Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng vẫn còn hạn chế; mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn mới đang ở bước đầu của quá trình phát triển.
Bên cạnh sự đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, sự dẫn dắt của Chính phủ, sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo, mạnh dạn của chính quyền địa phương, còn cần sự đảm bảo về tính đồng bộ, hiệu quả cao từ sự chung tay góp sức về mặt lý luận của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, các bài học thực tiễn, kinh nghiệm quý báu từ các quốc gia phát triển, các tổ chức toàn cầu cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ mong muốn, qua Hội thảo sẽ tiếp nhận được nhiều ý kiến quý báu, nhiều bài học hay, nhiều giải pháp đột phá và các chính sách phát triển hiệu quả kinh tế xanh, giảm phát thải carbon tại Thành phố Hồ Chí Minh; góp phần triển khai hiệu quả Chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, góp phần cùng cả nước đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Tại Hội thảo, ông Olivier Brochet, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam đánh giá về tầm quan trọng của vấn đề giảm phát thải carbon trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang phát triển năng động, mạnh mẽ và Việt Nam là quốc gia chịu sự ảnh hưởng về biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ “Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050” tại Hội nghị COP 26, đồng thời nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các giải pháp bảo vệ môi trường, giảm phát thải ròng lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế đất nước.
Đại sứ Olivier Brochet nhấn mạnh, Pháp sẵn sàng cùng Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực phát triển xanh, giảm phát thải ròng qua hợp tác cung cấp giải pháp kỹ thuật tiên tiến; sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam hướng tới giảm phát thải bằng 0 phù hợp với cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Hội thảo “Pháp-Việt hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0″ sẽ là cơ hội”cho Pháp và Việt Nam khám phá tiềm năng hợp tác và phát triển sự hợp tác trong lĩnh vực phát triển xanh, chống biến đổi khí hậu; đặt nền móng cho sự hợp tác trong chuyển đổi kinh tế theo hướng xanh, bền vững, tạo động lực chính cho sự phát triển trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trong tương lai.
Tại Hội thảo, nhiều doanh nghiệp Pháp trong các ngành công nghiệp, năng lượng và xây dựng đã giới thiệu các công nghệ và sản phẩm tiên tiến giúp giảm phát thải carbon trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng; các thách thức tài chính và cơ hội trong chuyển đổi năng lượng công bằng; cơ sở pháp lý của thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam…
Hội thảo cũng diễn ra thảo luận chuyên đề “Hiệu quả năng lượng trong công nghiệp – ngành xây dựng carbon thấp – huy động nguồn lực cho mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam” với sự tham gia của đại diện Bộ Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD)./.
TTXVN/Vietnam+