Chiều 21/6, Cụm số 5 thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết chia sẻ kinh nghiệm công tác đối ngoại nhân dân các tỉnh miền Tây Nam bộ năm 2024 tại Kiên Giang.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, các Liên hiệp các tổ chức hữu nghị trong Cụm số 5 đã chủ động, linh hoạt đề xuất, triển khai nhiều hoạt động phong phú, thiết thực mang lại hiệu quả cao cho công tác đối ngoại nhân dân. Nhiều Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương đã được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, tỉnh/thành ủy, UBND các tỉnh, các cơ quan nhà nước, các đối tác nước ngoài đánh giá cao về kết quả hoạt động.
Nhiều sự kiện chính trị được các thành viên Cụm số 5 tham mưu, phối hợp tổ chức trang trọng, thắm tình hữu nghị với sự tham dự của các Tổng Lãnh sự quán, chính quyền và các tầng lớp nhân dân tại địa phương. Nhiều đoàn khách, nhà tài trợ đến làm việc hài lòng về sự phối hợp, nhiệt tình tiếp đoàn khi họ đến làm việc tại Liên hiệp các tổ chức hữu nghị các tỉnh/thành phố. Bên cạnh đó, nhiều địa phương quan tâm thực hiện tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài; phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán, các đầu mối ở nước ngoài để nắm tình hình kiều bào, kịp thời tham mưu hỗ trợ về vấn đề an sinh, giáo dục, giấy tờ tùy thân, hợp tác kinh tế… nhất là kiều bào tại Campuchia. Qua đó góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa các thành viên Cụm số 5 nói riêng với các nước.
Công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị ở các địa phương triển khai đạt hiệu quả cao và mang tính bền vững (đạt 78 tỷ, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023). Kết quả này giúp giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết của địa phương thuộc các lĩnh vực như: biến đổi khí hậu, giáo dục, y tế, môi trường; xây dựng cầu, nhà, trường học; hỗ trợ các đối tượng yếu thế như trẻ em, già neo đơn, dân tộc thiểu số, người nghèo vùng sâu vùng xa. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt góp phần to lớn vào phong trào xây dựng nông thôn mới khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Công tác thông tin, tuyên truyền chính xác, kịp thời, thường xuyên, lựa chọn phạm vi và mức độ thông tin phù hợp, thiết thực, hiệu quả; hình thức tuyên truyền đa dạng, gắn với nhiệm vụ cụ thể; thông tin, tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm theo từng chuyên đề. Bên cạnh đó, nhiều Liên hiệp các tổ chức hữu nghị ở địa phương đã chủ động đưa công tác xã hội hóa vào các hoạt động đối ngoại nhân dân, với nhiều loại hình thức và cách thức phù hợp phát huy sức mạnh trong quá trình thực hiện của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước.
Tại hội nghị, bên cạnh việc chia sẻ nhiều kinh nghiệm tốt, cách làm hay có tính sáng tạo, hiệu quả trong công tác đối ngoại nhân dân, cũng như những kinh nghiệm trong công tác vận động phi chính phủ nước ngoài, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị các địa phương cũng đề nghị Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tiếp tục kiến nghị các cơ quan ở Trung ương cụ thể hóa các văn bản liên quan đến công tác đối ngoại nhân dân; xây dựng kế hoạch phối hợp với các địa phương trong Cụm số 5 luân phiên tổ chức Hội nghị xúc tiến vận động viện trợ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; tổng hợp những mô hình hay, hiệu quả để chia sẻ với các địa phương trong Cụm; tăng cường mở các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, các quy định pháp luật có liên quan nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phi chính phủ nước ngoài của Cụm…
Hội nghị cũng thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2024 trên cơ sở bám sát chủ đề thi đua năm 2024 về “Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của đất nước”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Chí Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Kiên Giang, Cụm phó Cụm số 5 – cho biết, 6 tháng đầu năm 2024 Liên hiệp các tổ chức hữu nghị các tỉnh, thành phố trong Cụm đều đã chủ động xây dựng và thực hiện sớm chương trình công tác, phong trào thi đua do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phát động và cũng đã hoàn thành cơ bản những nội dung, chỉ tiêu đề ra trong 6 tháng đầu năm 2024; nỗ lực bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác đối ngoại nhân dân; chất lượng trình độ, năng lực của cán bộ làm công tác đối ngoại nhân dân của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị các tỉnh, thành trọng cụm ngày được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Ông Trần Chí Dũng cũng hy vọng sau hội nghị lần này các tỉnh, thành phố sẽ rút ra được những kinh nghiệm để đạt được những kết quả to lớn hơn trong thời gian tới.
Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác vận động trợ phi chính phủ nước ngoài tại địa phương, bà Phan Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Trà Vinh cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, địa phương đã vận động viện trợ được 38,4 tỷ đồng. “Kết quả đạt được trong công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại Trà Vinh là thành quả chung của nhận thức, tinh thần trách nhiệm và sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Trà Vinh với các ngành các cấp trên địa bàn”, bà Bình nhấn mạnh. Đặc biệt, cần xác định đúng tầm quan trọng, vai trò của chính quyền cơ sở trong công tác phi chính phủ nước ngoài, là nơi cung cấp thông tin kêu gọi tài trợ, là nơi tiếp nhận, quản lý, sử dụng và phát huy hiệu quả nguồn lực vận động được. Vì vậy, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Trà Vinh chú trọng tăng cường việc kết nối, phối hợp, hỗ trợ ngày càng chặt chẽ, hiệu quả và có được sự hài lòng, tin cậy lẫn nhau…
Theo Thời Đại