Tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia, để lại nhiều dấu ấn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 55 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNĐ LHQ) tại Geneva (Thụy Sỹ) và thăm chính thức Ireland từ 26-29/2. Nhân dịp này, Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã chia sẻ thông tin về Khóa họp cùng những nỗ lực đóng góp của Việt Nam.
Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa và những nội dung trọng tâm của Khóa họp 55 HĐNQ LHQ sẽ khai mạc vào ngày 26/2 tới đây?
Có thể nói, Khóa họp 55 HĐNQ lần này có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình thế giới vẫn có căng thẳng, xung đột, bất ổn; xung đột Nga-Ukraine sắp sang năm thứ ba và chưa có xu hướng giảm nhiệt; cuộc chiến ở Dải Gaza có nhiều diễn biến mới phức tạp và có nguy cơ lan rộng ra khu vực; các vấn đề toàn cầu như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo tiếp tục là thách thức chung của nhân loại, ảnh hưởng đến việc thụ hưởng quyền con người trên toàn thế giới. Việc đảm bảo quyền con người vẫn luôn dành được sự quan tâm của các quốc gia, các tổ chức quốc tế trên thế giới.
Với ý nghĩa quan trọng như vậy, HĐNQ lần này diễn ra trong 6 tuần (từ ngày 26/2-5/4) trong đó có Phiên họp cấp cao (diễn ra từ ngày 26-28/2) thu hút được sự quan tâm cao và tham dự của gần 140 lãnh đạo cấp cao các nước, các quan chức cao cấp của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác.
Đây cũng là khóa họp dài nhất của HĐNQ từ trước đến nay với chương trình nghị sự dày đặc và đầy tham vọng.
Khóa họp sẽ có 7 phiên thảo luận chuyên đề; xem xét 80 báo cáo chuyên đề và thảo luận, đối thoại với khoảng 40 thủ tục đặc biệt và các cơ chế nhân quyền của LHQ về các vấn đề liên quan đến quyền con người trong nhiều lĩnh vực khác nhau; xem xét tình hình nhân quyền tại một số nước cụ thể; thông qua quyết định bổ nhiệm 12 nhân sự cho các Thủ tục đặc biệt (gồm cơ chế chuyên gia hoặc báo cáo viên đặc biệt); đồng thời, dự kiến thông qua khoảng hơn 30 nghị quyết của HĐNQ về nhiều chủ đề khác nhau.
Đại sứ đánh giá thế nào về vai trò cũng như những đóng góp của Việt Nam tại HĐNQ LHQ thời gian qua, đặc biệt trên cương vị là thành viên của Hội đồng?
Triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, Việt Nam tiếp tục đóng vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chủ động đóng góp vào việc xây dựng, định hình luật chơi chung.
Với thế và lực mới, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc đang trên đà vươn lên, tạo nên một vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế, chúng ta đang có điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò, hình ảnh, tăng cường tiếng nói tại các tổ chức quốc tế nói chung.
Tại HĐNQ nói riêng, trong thời gian qua, nhất là trong nhiệm kỳ 2014-2016, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia, để lại nhiều dấu ấn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tại nhiệm kỳ 2023-2025 này, ta tiếp tục phát huy vai trò thành viên tích cực trên tinh thần “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người – cho tất cả mọi người”.
Trong năm 2023 vừa qua, chúng ta đã chủ động đề xuất, thúc đẩy một số sáng kiến, nhất là “Kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna” và 5 sáng kiến nổi bật khác tại cả 3 Khóa họp thường kỳ của HĐNQ về nhiều chủ đề khác nhau, được đánh giá cao, phù hợp với quan tâm và lợi ích của nhiều quốc gia.
Đây là nền tảng vững chắc để Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò, cương vị thành viên tích cực và có trách nhiệm của HĐNQ trong thời gian tới, với mở đầu năm 2024 là Phiên họp cấp cao Khóa 55 HĐNQ sắp diễn ra với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng đoàn Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ triển khai một số sáng kiến hợp tác thúc đẩy và bảo đảm quyền con người, trong đó sẽ chủ trì xây dựng và thương lượng dự thảo Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người tại Khóa họp tháng 6/2024. Việt Nam cũng sẽ bảo vệ Báo cáo quốc gia theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ IV vào tháng 5/2024.
Ngoài ra, chúng ta sẽ tiếp tục tham gia vào công việc chung của HĐNQ, thảo luận, đóng góp ý kiến vào các nghị quyết chuyên đề và nghị quyết về tình hình tại một số nước cụ thể.
Lịch trình hoạt động cả năm 2024 sẽ là cơ sở cho Việt Nam để lại dấu ấn cho năm 2025, cũng như tạo thuận lợi cho vận động Việt Nam tái cử nhiệm kỳ thành viên HĐNQ 2026-2028.
Xin cảm ơn Đại sứ
Theo baoquocte.vn