Đổi mới tư duy, chủ động thích ứng với những thay đổi bên ngoài, năm 2023, công tác đối ngoại nhân dân của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) đã gặt hái nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào thành công chung của ngoại giao nước nhà.
Đó là chia sẻ của Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
PV: Thời gian qua, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến đổi nhanh chóng, phức tạp. Ông có thể chia sẻ những yếu tố tác động đến công tác đối ngoại nhân dân của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam?
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn: Tình hình thế giới, khu vực đang thay đổi nhanh chóng, các nước lớn có sự điều chỉnh chính sách, tạo áp lực rất lớn đối với việc thực thi chính sách đối ngoại của tất cả các quốc gia trên thế giới. Những tác động của chiến tranh, xung đột, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra trên phạm vi toàn cầu, cũng kéo theo sự điều chỉnh chính sách. Từ đó, việc tập hợp lực lượng của các tổ chức nhân dân và phong trào xã hội cũng có sự thay đổi.
Cạnh tranh nước lớn đẩy các quốc gia đến sự “phân tuyến”, “chọn bên”. Các phong trào xã hội, các tổ chức nhân dân, thậm chí các tổ chức phi chính phủ ở những nước này cũng không nằm ngoài “vòng xoáy đó”. Các phong trào xã hội, các tổ chức nhân dân đang gặp nhiều khó khăn trong tạo dựng chỗ đứng trong hệ thống chính trị do sự thay đổi nhanh chóng về mặt chính trị ở các quốc gia.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cũng tác động không nhỏ đến việc tập hợp lực lượng của các phong trào và tổ chức nhân dân thế giới. Ngày nay, các tổ chức không nhất thiết phải ngồi lại với nhau mới hình thành nên một phong trào, mà chỉ cần thông qua email, tin nhắn đã có thể tập hợp được lực lượng. Điều này dẫn đến thực tế là những người trong cùng một lực lượng hoặc phong trào, đôi khi chỉ đồng tình với nhau về một khía cạnh nào đó, chứ không hoàn toàn là một ý thức hệ hay hệ tư tưởng như trước đây, dẫn đến sự không chắc chắn, liên kết bên trong lỏng lẻo, thiếu bền vững. Các phong trào, lực lượng được tập hợp theo hình thức này có quá nhiều quan tâm, quá nhiều vấn đề muốn làm, nhưng thực lực chỉ ở mức độ khiêm tốn.
Ngoài ra, kinh tế toàn cầu có sự sụt giảm, việc huy động lực lượng của các tổ chức và phong trào nhân dân thế giới, trong đó có các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cũng gặp những khó khăn nhất định.
Một vấn đề quan trọng nữa là hiện nay nhiều đối tác, bạn bè của nhân dân Việt Nam, những người từng ủng hộ chúng ta trong hai cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, đang có xu hướng già hóa, không còn giữ vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị ở các nước. Các phong trào nhân dân ở các nước có những xu hướng mới, việc tập hợp lực lượng có sự linh hoạt, đa dạng hơn trên nhiều vấn đề, ở nhiều khía cạnh và nội dung, hình thức khác nhau. Điều này đặt ra yêu cầu phải có hệ thống bạn bè, đối tác mới để thực hiện mục tiêu đối ngoại nhân dân.
PV: Mặc dù vậy, năm 2023, công tác đối ngoại nhân dân của VUFO vẫn gặt hái nhiều thành công, ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
Chủ tịch Liên hiệp các hội hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn: Năm 2023, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, công tác đối ngoại đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành điểm sáng đầy ấn tượng trong thành tựu chung của đất nước. Trong đó, đối ngoại nhân dân nói riêng và hệ thống của VUFO với vai trò là trụ cột, nòng cốt đã có những đóng góp tích cực, thể hiện trên bốn trọng tâm công tác sau:
Thứ nhất, việc duy trì quan hệ với các đối tác hiện có của VUFO được củng cố thêm một bước, mạng lưới đối tác mới tiếp tục được mở rộng. Đến nay, VUFO đã rà soát, củng cố và mở rộng hệ thống đối tác ở tất cả các châu lục, góp phần xây dựng, bồi đắp nền tảng xã hội tích cực, thuận lợi, tạo đà thúc đẩy quan hệ với các nước.
Thứ hai, VUFO đã tổ chức chuỗi hoạt động đối ngoại nhân dân nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước, như: Anh, Pháp, Italy, Hà Lan, Canada, Argentina, Nhật Bản, Singapore, Malaysia…. Trong đó có nhiều hình thức, nội dung mới và sự tham gia của các đối tác mới, không chỉ là phối hợp với đại sứ quán các nước tổ chức, mà còn có sự tham gia của các nhân sĩ trí thức, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, học giả… nhân chuyến thăm của đoàn cấp cao các nước. Đây là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Qua đó đã lồng ghép, truyền tải đến bạn bè quốc tế nhiều giá trị về hợp tác hữu nghị, văn hóa, chính sách và những điểm sáng, đặc biệt trong chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta.
Thứ ba, nhân các sự kiện đối ngoại cấp cao, VUFO và các tổ chức liên quan đã thực hiện thành công các nhiệm vụ trên kênh đối ngoại nhân dân.
Nổi bật là cuộc gặp gỡ nhân sĩ hữu nghị và thế hệ trẻ Việt Nam-Trung Quốc nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với hơn 400 đại biểu tham gia. Đây là cuộc gặp đặc biệt khi có sự chứng kiến của hai đồng chí Tổng Bí thư cùng hai vị phu nhân và lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai nước. Quan trọng hơn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài phát biểu đều nhấn mạnh, quan hệ hữu nghị nhân dân là nền tảng, động lực, là yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy quan hệ hữu nghị, truyền thống và hợp tác giữa hai nước.
Trước đó, ngày 22-5-2023, nhân chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Đảng nước Nga Thống nhất, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev, VUFO đã phối hợp với các cơ quan tổ chức cuộc gặp giữa Chủ tịch Đảng nước Nga Thống nhất với những người từng học tập, làm việc, sinh sống và những người Việt Nam yêu Liên bang Xô Viết trước đây và nước Nga ngày nay.
Ngoài ra còn nhiều hoạt động động trong khuôn khổ đối ngoại cấp cao khác như tiếp Thường trực Bộ chính trị của Đảng Cộng sản Cuba, tiếp Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Thư ký Hội Liên hiệp Phụ nữ Cuba… nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Ủy ban Cuba đoàn kết với miền Nam Việt Nam và kỷ niệm 50 năm Ngày lãnh tụ Fidel Castro đến thăm Quảng Trị.
Trên kênh đa phương, VUFO cũng có nhiều hoạt động quan trọng, như kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đây không chỉ là hoạt động kỷ niệm đơn thuần, mà còn là dịp để tri ân những người bạn đã ủng hộ Việt Nam trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong các hoạt động đó, VUFO đã tích cực củng cố, duy trì nền tảng quan hệ hữu nghị trên kênh nhân dân, truyền tải thông điệp về một nước Việt Nam thủy chung nghĩa tình, nhân văn, luôn ghi nhớ sự giúp đỡ quý báu cả về vật chất và tinh thần của chính phủ và nhân dân các nước đối với Việt Nam. Đây cũng là nhằm thực hiện mục tiêu, mục đích và phương châm của hoạt động đối ngoại, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Thứ tư, trong công tác vận động phi chính phủ nước ngoài, năm 2023 tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, các nước có sự điều chỉnh về chính sách viện trợ cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. VUFO đã đổi mới hình thức và phương thức tiếp cận vận động phi chính phủ nước ngoài. Nhờ đó, giá trị viện trợ giải ngân vẫn đạt kết quả ấn tượng, 223,3 triệu USD. Điều quan trọng hơn là đã thực hiện hiệu quả việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa vận động viện trợ với vận động chính trị đối ngoại. Theo đó, đối tượng vận động không chỉ là các tổ chức phi chính phủ nước ngoài mà còn là các cơ quan, chính phủ của các nước có quyền quyết định phân bổ ngân sách cho các chương trình, dự án của tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Ngoài ra, VUFO còn vận động các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam quan tâm đến an sinh xã hội và phát triển kinh tế-xã hội; các trường đại học, các quỹ, viện nghiên cứu,… góp phần truyền tải những giá trị đích thực và kết quả về mặt chính sách, văn hóa, con người và nét đẹp của Việt Nam; chung tay giúp đỡ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh.
Bên cạnh đó, VUFO đã tập trung nghiên cứu, theo dõi, nắm bắt và đánh giá tình hình ở các nước và trên toàn thế giới, nhất là tình hình các phong trào xã hội và phong trào nhân dân có quan hệ gần gũi với Việt Nam. Dự kiến cuối năm 2024 VUFO sẽ hoàn thành “bản đồ” các tổ chức và phong trào nhân dân, xã hội trên thế giới nhằm phục vụ chung cho công tác đối ngoại của Việt Nam.
Liên hiệp cũng có nhiều đổi mới trong thông tin tuyên truyền đối ngoại, trọng tâm là truyền tải thông tin kịp thời, đúng đắn về đất nước, văn hóa, con người, chính sách, quan hệ hữu nghị hợp tác nhân dân của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Thông tin để bạn bè quốc tế hiểu hơn về Việt Nam, qua đó góp phần phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc về tình hình đất nước, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.
PV: Ngoại giao “cây tre Việt Nam” là khái niệm được nhiều nhà ngoại giao nhắc đến khi đề cập chính sách đối ngoại của Việt Nam. Khái niệm này đã được VUFO vận dụng trong thực tiễn như thế nào, thưa ông?
Chủ tịch Liên hiệp các hội hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn: Khái niệm “ngoại giao cây tre” lần đầu tiên được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (tháng 8-2016). Ngày 21-11-2023, cuốn sách: “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính thức ra mắt. Cuốn sách đã nói rất kỹ về trường phái đối ngoại, ngoại giao Hồ Chí Minh mang đậm bản sắc dân tộc thể hiện hồn cốt, khí phách của dân tộc, con người Việt Nam với ba cụm từ rất quan trọng, là: “Gốc vững”, “thân chắc”, “cành uyển chuyển”.
Từ góc độ của VUFO, chúng tôi cho rằng “gốc vững” chính là nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hợp tác, hữu nghị. Gốc vững ở đây là lợi ích quốc gia dân tộc, đó là cái bất biến; là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Gốc vững ở đây còn là ý chí tự lực, tự cường, độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam.
“Thân chắc” là sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa ba trụ cột ngoại giao. “Cành uyển chuyển” phù hợp và ứng với phương châm của đối ngoại nhân dân, đó là chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả. Điều đó thể hiện bản chất của công tác đối ngoại nhân dân chính là công tác “dân vận quốc tế”, thuyết phục, vận động bạn bè, nhân dân, các phong trào, chính khách ở các nước ủng hộ lợi ích quốc gia, dân tộc của Việt Nam. Sự uyển chuyển trong đối ngoại nhân dân chính là ngoại giao “tâm công”, chuyển hóa tình thế, vận động sự ủng hộ từ bên ngoài.
PV: Năm 2024, định hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác đối ngoại nhân dân của VUFO của có nội dung gì cần nhấn mạnh, thưa đồng chí?
Chủ tịch Liên hiệp các hội hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn: Hệ thống các tổ chức của VUFO sẽ tiếp tục đổi mới tư duy, hình thức, phương thức, nội dung, cách tiếp cận trong triển khai các hoạt động đối ngoại ở cả trong và ngoài nước, theo hướng thực chất, góp phần làm sâu sắc và thực hiện hiệu quả hơn đường lối, chủ trương, các mục tiêu đối ngoại. Trên cơ sở thực hiện đúng các chỉ đạo và định hướng tổng thể công tác đối ngoại nói chung của Việt Nam với các đối tác vừa nâng cấp quan hệ, VUFO sẽ chủ động mở rộng quan hệ trên kênh nhân dân; tiếp tục mở rộng mạng lưới đối tác ở khắp các châu lục đã và đang có quan hệ.
Trong công tác phi chính phủ nước ngoài, trước sự thay đổi chính sách của các nước, cần có cách tiếp cận mới đó là đa dạng hóa nguồn viện trợ phục vụ phát triển mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Công tác phi chính phủ nước ngoài không chỉ đơn thuần là vận động ở những nguồn đã có quan hệ và kinh nghiệm là các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các doanh nghiệp, cá nhân, mà còn tập trung vào các các bộ, ngành, cơ quan của quốc hội có thẩm quyền phê duyệt ngân sách viện trợ phát triển ở các nước. Chúng tôi sẽ thực hiện vận động nhiều hơn các doanh nghiệp lớn. Tận dụng cơ hội từ việc dịch chuyển đầu tư để vận động các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài thực hiện trách nhiệm xã hội đối với sự phát triển kinh tế, xã hội cũng như giúp đỡ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh.
Công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại sẽ được đổi mới cả về nội dung và cách thức. Phải làm sao để hệ thống đối tác, bạn bè của Việt Nam trên kênh nhân dân nhận được thông tin nhanh hơn, kịp thời, chính xác hơn và đa dạng hơn trên các lĩnh vực của Việt Nam.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
VĂN DUYÊN (ghi)