Theo thống kê của Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, giai đoạn 2020-2022 ghi nhận 45 Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương trực tiếp tham gia triển khai 429 dự án dài hạn hoặc hoạt động viện trợ khẩn cấp, lô hàng từ thiện nhân đạo hỗ trợ 1 lần với tổng ngân sách giải ngân khoảng 15 triệu USD… Các hoạt động này đã và đang góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
“Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Quảng Nam đã tiếp nhận 44 khoản viện trợ (tăng 17 khoản viện trợ so với năm 2022) với tổng giá trị đạt gần 100 tỷ đồng. Riêng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 đã vận động và tiếp nhận 9 chương trình/dự án/phi dự án do các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tài trợ với tổng giá trị vận động gần 5,3 tỷ đồng”.
Đó là thông tin ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Nam gửi tới Hội nghị toàn quốc công tác đối ngoại nhân dân năm 2023 diễn ra tại Bình Định. Ông Trần Anh Tuấn cũng cho biết, Liên hiệp Quảng Nam đã chủ động, linh hoạt đổi mới phương thức vận động phù hợp, tổ chức tốt các hoạt động vận động viện trợ, triển khai thực hiện nhiều dự án/phi dự án đạt yêu cầu đề ra.
World Vision Việt Nam hỗ trợ bà con ở thôn Cà Lai, xã Cà Dy, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam tiếp cận nước sạch. (Ảnh: World Vision Việt Nam)
“Hiện nay, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục xin phê duyệt các chương trình, dự án/phi dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cam kết tài trợ cho Quảng Nam trong những tháng tới với tổng giá trị trên 7,3 tỷ đồng. Các khoản viện trợ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: nhu yếu phẩm, học bổng, xe đạp cho học sinh, nước sạch, xây dựng trường học, phòng chống thiên tai, y tế… Cùng với các nguồn đầu tư của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài khác, nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài thực sự đã mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp có ý nghĩa cho sự phát triển kinh tế – xã hội, cũng như nâng cao đời sống nhân dân tỉnh Quảng Nam, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội của tỉnh”, ông Trần Anh Tuấn cho biết thêm.
Chia sẻ kinh nghiệm hợp tác địa phương, ông Lê Cừ – Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Đắk Lắk cho biết: tỉnh Đắk Lắk (Việt Nam) và tỉnh Mondulkiri (Campuchia) có sự hợp tác toàn diện về đối ngoại, an ninh, quốc phòng, kinh tế – xã hội… Quan hệ này góp phần củng cố và không ngừng phát huy tình đoàn kết ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu Việt Nam – Campuchia, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Đáng chú ý, về hợp tác kinh tế, một số doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư và phát triển hàng trăm hecta cây cao su trên tỉnh bạn, vốn đầu tư hàng chục triệu USD. Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại, tỉnh Đắk Lắk còn góp phần giúp bạn thu hút lực lượng lao động, giải quyết công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho công nhân người địa phương. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng giúp bạn xây dựng đường giao thông, trường học, trạm y tế, chợ dân sinh… góp phần vào an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân ở nước bạn.
Ông Lê Cừ – Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Đắk Lắk trình bày tham luận tại Hội nghị. (Ảnh: Thu Hà)
Theo ông Dư Văn Quảng, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Phú Thọ, Liên hiệp đã trực tiếp vận động, ký kết triển khai dự án “Hỗ trợ môi trường giáo dục” trong 5 năm với tổng trị giá 450.000 USD do tổ chức KFHI tài trợ tại hai huyện Thanh Thủy, Thanh Sơn. Liên hiệp Phú Thọ cũng phối hợp với Sở Ngoại vụ vận động tài trợ trên 120.000 chai nước rửa tay sát khuẩn Canada (trị giá khoảng 13 tỷ đồng) từ tổ chức GNI/Hàn Quốc; 1.000 bộ đồ bảo hộ phòng dịch cấp độ 4 và 20.000 khẩu trang y tế N95 với trị giá 16.400 USD (tương đương 380 triệu đồng) do tổ chức LDSC/Mỹ tài trợ; 105 triệu kíp Lào (tương đương 237 triệu đồng) do các tỉnh Luang Namtha và Phongsaly (Lào) tài trợ tỉnh Phú Thọ…
Thời gian tới, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Phú Thọ tăng cường tiếp cận, vận động các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tiềm năng và phù hợp với nhu cầu vận động viện trợ của tỉnh; phấn đấu đưa các dự án phi chính phủ nước ngoài đến với nhiều đối tượng còn khó khăn trên địa bàn tỉnh như trẻ em mồ côi, người già không nơi nương tựa, người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Theo Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM, đơn vị thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam): thời gian qua, một số Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương đã chủ động xây dựng các chương trình/dự án, đồng thời tham gia làm đối tác trực tiếp triển khai dự án phi chính phủ nước ngoài. Thông qua kết nối của PACCOM, nhiều Liên hiệp địa phương đã sẵn sàng làm đầu mối tiếp nhận, điều phối một số khoản viện trợ khẩn cấp, viện trợ 1 lần tại địa phương, đạt kết quả tích cực.
Theo thống kê của Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, giai đoạn 2020-2022 ghi nhận 45 Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương trực tiếp tham gia triển khai 429 dự án dài hạn hoặc hoạt động viện trợ khẩn cấp, lô hàng từ thiện nhân đạo hỗ trợ 1 lần với tổng ngân sách giải ngân khoảng 15 triệu USD. Dù phần lớn các chương trình, dự án do các Liên hiệp phối hợp xây dựng và triển khai có quy mô vừa và nhỏ với tính chất từ thiện, nhân đạo nhưng sự tham gia của các Liên hiệp địa phương trong công tác này đã cho thấy tinh thần chủ động của các Liên hiệp, góp phần giúp cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn, hiểu biết thêm về phương pháp thực hiện dự án, kết hợp kiểm tra, giám sát dự án, đồng thời góp phần tăng cường vai của các Liên hiệp trong công tác quan hệ, vận động và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại địa phương.
* Tại Hội nghị toàn quốc công tác đối ngoại nhân dân năm 2023 diễn ra tại Bình Định, ông Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cho biết: Từ năm 2021 đến tháng 6/2023 có 421 tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động thường xuyên tại Việt Nam với tổng giá trị viện trợ giải ngân trung bình là 228,3 triệu USD/năm. Các khoản viện trợ tập trung vào một số lĩnh vực và vấn đề ưu tiên của Việt Nam như: y tế, phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội, giáo dục – đào tạo, biến đổi khí hậu…
Long Phạm / Theo Tạp chí Thời Đại