Trải qua năm 2023 đầy biến động, lãnh đạo các nước gửi gắm thông điệp năm 2024 tới người dân toàn cầu, chứa đựng nguyện vọng giữ vững và phát triển nền hòa bình, thịnh vượng chung.
Thế giới bước vào năm 2023 với kỳ vọng phát triển kinh tế hậu đại dịch, song trên thực tế lại trải qua giai đoạn tăng trưởng thấp và trì trệ, vấp phải nhiều cú sốc như lạm phát tăng cao, khủng hoảng ngân hàng, suy giảm sản xuất công nghiệp thương mại toàn cầu.
Dù trật tự đa cực, đa trung tâm dần thành hình, hòa bình, hợp tác, phát triển là xu thế lớn, quá trình chuyển dịch quyền lực diễn ra theo hướng Tây – Đông, Bắc – Nam đặt thế giới trước rủi ro cạnh tranh chiến lược nước lớn và xung đột cục bộ tại Đông Âu và Trung Đông, qua đó thách thức vai trò giữ vững hòa bình của luật pháp quốc tế và cơ chế đa phương.
Trước tình hình thế giới đầy bất an, lãnh đạo các quốc gia gửi gắm thông điệp trước thềm năm mới với kỳ vọng về năm 2024 hứa hẹn nhiều thay đổi tích cực và toàn diện, giúp phục hồi kinh tế và ổn định chính trị, phục vụ đời sống ấm no, hạnh phúc của người dân và tạo lập nền hòa bình, thịnh vượng bền vững toàn cầu.
Trung Quốc hiện đại hóa
Phát biểu trước thềm kết thúc năm cũ, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu bật những thành tựu mà nước này đạt được trong thời gian qua, đồng thời đề ra các mục tiêu hiện đại hóa đất nước, hướng tới phát triển kinh tế ổn định, lâu dài.
Giống với thông điệp năm ngoái, ông Tập luôn tin tưởng vào sức bật của nền kinh tế Trung Quốc, miễn rằng người dân có niềm tin vững chắc và duy trì tiến lên phía trước, tất sẽ đạt được mục tiêu đề ra. Minh chứng cho niềm tin này là việc Trung Quốc sáng chế thành công siêu du thuyền nội địa đầu tiên, tàu vũ trụ Thần Châu và tàu ngầm có người lái Fendouzhe.
Những thành tựu này góp phần làm cuộc sống người dân Trung Quốc trở nên phong phú và nhiều màu sắc hơn, phản ánh nền kinh tế sôi động và hưng thịnh.
Ông Tập khẳng định, Trung Quốc sẽ thúc đẩy quá trình hiện đại hóa đất nước dựa trên mô hình phát triển mới, thúc đẩy phát triển chất lượng cao, đồng thời theo đuổi mục tiêu phát triển và bảo vệ an ninh.
Trung Quốc sẽ tăng cường cải cách và mở cửa trên diện rộng, thúc đẩy nền kinh tế phát triển sôi động và đẩy mạnh giáo dục, thúc đẩy khoa học và công nghệ phát triển.
Nước Mỹ trở lại
Vượt qua nhiều sóng gió năm cũ, thậm chí từng đứng trước nguy cơ đóng cửa chính phủ, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định niềm tin rằng, nhờ số lượng việc làm gia tăng, người dân hiện có điều kiện sinh sống tốt hơn. Mặc dù người Mỹ trải qua quãng thời gian khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng giờ nước này đã đứng dậy và trở lại.
Ông Biden hy vọng mọi người có một năm mới khỏe mạnh, hạnh phúc và an bình, đồng thời tin rằng nước Mỹ đang ở vị thế tốt hơn bất cứ nước nào khác để dẫn dắt thế giới.
Kiến tạo tương lai nước Nga
Năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin chọn quân khu phía Nam làm nơi phát biểu thông điệp năm mới trong bối cảnh leo thang xung đột Ukraine, nhằm khích lệ tinh thần binh sĩ nơi tiền tuyến. Đến năm nay, ông Putin truyền thông điệp năm mới từ Điện Kremlin, nêu bật những thành tựu to lớn mà nước này đạt được năm 2023 và kêu gọi người dân tiến về phía trước, kiến tạo tương lai.
Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh mối đoàn kết và quyết tâm chung trong thông điệp mừng năm mới. Ngoài xung đột Ukraine, ông còn đề cập kinh tế và lạm phát, cùng các vấn đề cử tri quan tâm.
Tổng thống Putin tuyên bố năm 2024 là “năm của gia đình”, đồng thời khẳng định, đất nước và người dân Nga đoàn kết, ủng hộ và “kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia, tự do và an ninh cũng như các giá trị của chúng ta”.
Tinh thần nhân văn của Pháp
Phát biểu trên sóng truyền hình tối 31/12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron điểm lại năm 2023 với những cuộc khủng hoảng trong nước và quốc tế, từ tranh cãi cải cách lương hưu đến cải cách nhập cư, từ bạo loạn thành thị đến biến động kinh tế, từ lạm phát toàn cầu đến xung đột Ukraine và Gaza.
Lần phát biểu này của ông Macron gợi nhắc lại thông điệp năm ngoái, trong đó nhà lãnh đạo khẳng định, 2023 sẽ là năm của cải cách lương hưu nhằm đảm bảo cân bằng hệ thống tài chính, cũng như giải quyết khủng hoảng năng lượng.
Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp nhấn mạnh các sự kiện lớn sẽ gắn kết người dân nước này trong năm 2024, chẳng hạn như Thế vận hội Olympic và Paralympic ở Paris, việc mở cửa trở lại Nhà thờ Đức Bà, hay kỷ niệm 80 năm cuộc đổ bộ Normandy.
Về vấn đề quốc tế, ông Macron mong rằng xung đột ở Ukraine và Trung Đông sẽ chấm dứt, kinh tế thế giới nhanh chóng phục hồi. Với tinh thần lạc quan và nhân văn mà ông Macron muốn chuyển tải, gác lại sau lưng khó khăn năm cũ, người dân Pháp hân hoan đón năm 2024 với niềm hy vọng tươi mới.
Nước Đức kiên cường
Trước thềm năm mới, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định, nước này sẽ phải thay đổi khi đối mặt với thế giới “đầy bất ổn và khắc nghiệt hơn”, song chắc chắn sẽ “vượt qua được”. Đồng thời, ông kêu gọi người dân chớ mất niềm tin vào tương lai trong bối cảnh thế giới trải qua nhiều khủng hoảng và thay đổi với tốc độ ngày càng nhanh.
Nếu như thông điệp năm 2023 của ông Scholz kêu gọi người dân tăng cường tiết kiệm khi đất nước rơi vào khủng hoảng năng lượng do xung đột Đông Âu, thì đến năm nay, Thủ tướng Đức khẳng định, Berlin đã ngăn chặn được suy thoái kinh tế và chuẩn bị đầy đủ dự trữ năng lượng.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng.
Ông nói: “Sức mạnh của chúng tôi nằm ở EU. Khi thể hiện một mặt trận thống nhất, liên minh lên tiếng thay cho hơn 400 triệu người. Trong một thế giới 8 tỷ người, sắp tới 10 tỷ người, đó là tài sản thực sự”.
Singapore năng động và hòa nhập
Tại Đông Nam Á, người dân đảo quốc sư tử Singapore đón năm mới 2024 với lời chúc từ Thủ tướng Lý Hiển Long. Ông kêu gọi người dân chung tay thực hiện nguyện vọng của đất nước và bảo đảm tương lai tươi sáng cho Singapore.
Năm ngoái, Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi người dân duy trì chiến dịch phòng ngừa Covid-19 trong bối cảnh hậu đại dịch. Năm nay, ông xoáy sâu mục tiêu xây dựng một quốc gia “năng động và hòa nhập, công bằng và cạnh tranh, kiên cường và đoàn kết”, trên cơ sở người dân ủng hộ Phó Thủ tướng Lawrence Wong và thế hệ lãnh đạo kế cận.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Singapore cũng coi biến đổi khí hậu là thách thức lớn với đảo quốc này. Do đó, Singapore cần thích ứng và chuẩn bị cho tình trạng tăng cao nhiệt độ và mực nước biển, đồng thời chuyển đổi nền kinh tế theo hướng trung hòa carbon.