Các chuyên gia quốc tế đánh giá cao những thành tựu đáng tự hào của ngoại giao văn hóa Việt Nam, là nền tảng để phát huy sức mạnh mềm, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Tháng 11/2024, chương trình “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” lần đầu đến Mỹ Latinh, để lại những hình ảnh ấn tượng về các em nhỏ Brazil thích thú khám phá nghệ thuật múa rối nước độc đáo của Việt Nam ngay tại “xứ Samba”.
Người dân quốc gia vùng Vịnh Saudi Arabia (Ảrập Xêút) cũng lần đầu tiên được trải nghiệm không gian văn hóa nhiệt đới ngay giữa vùng đất sa mạc. Những em nhỏ vụng về trong lần đầu nặn tò he, thích thú xem nghệ nhân Việt Nam tạo hình chú lạc đà đặc trưng của sa mạc Trung Đông.
Đây có lẽ là những minh chứng sống động nhất về ý nghĩa của ngoại giao văn hóa, vừa giúp quảng bá những nét đẹp văn hóa và con người Việt Nam ra toàn cầu vừa tiếp thu tinh hoa và giá trị văn hóa thế giới.
Các chuyên gia quốc tế đánh giá cao những thành tựu đáng tự hào của ngoại giao văn hóa Việt Nam, qua đó phát huy vai trò của “chiến lược sức mạnh mềm quan trọng nhằm nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế”.
Việt Nam đã được tín nhiệm bầu và hiện đang phát huy vai trò thành viên tại 6 cơ chế điều hành then chốt của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), trong đó có vai trò Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO (từ tháng 11/2023), Phó Chủ tịch Đại hội đồng Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (từ tháng 6/2024).
Tháng 10 vừa qua, Phó Tổng Giám đốc UNESCO Khúc Tinh đánh giá Việt Nam là một hình mẫu điển hình về sự hợp tác hiệu quả với UNESCO, là nước thành viên tích cực với những đóng góp quan trọng vào công việc chung của UNESCO. Chiến lược ngoại giao văn hóa của Việt Nam đề ra mục tiêu đạt được 60 di sản và danh hiệu UNESCO đến năm 2030 nhưng đến nay đã đạt tổng số 67 danh hiệu.
Riêng năm 2024, Việt Nam đã đề cử thành công một số danh hiệu UNESCO như Thành phố Học tập toàn cầu Thành phố Hồ Chí Minh và Sơn La (tháng 2/2024); danh hiệu Di sản Tư liệu Thế giới (tháng 5/2024) cho Những bản đúc trên 9 đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế, danh hiệu Di sản Văn hóa phi Vật thể đại diện của nhân loại cho Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam (tháng 12/2024)…
Những sáng kiến như Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài đã giới thiệu hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế, góp phần tăng cường sự tin cậy chính trị với các đối tác và nâng cao thương hiệu quốc gia.
Văn hóa Việt “quyến rũ” các quốc gia khác, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, hỗ trợ cùng phát triển, thu hút du khách quốc tế, giúp phát triển ngành du lịch mang lại nguồn thu nhập ổn định và bền vững.
Việt Nam được nhiều tổ chức du lịch, các tạp chí uy tín và du khách quốc tế đánh giá cao, trở thành một trong những điểm đến văn hóa hấp dẫn nhất khu vực châu Á. Việt Nam được công nhận là “Điểm đến hàng đầu châu Á 2024”, “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á 2024” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2024” tại Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) khu vực châu Á và châu Đại Dương.
Du lịch Việt Nam năm 2024 đạt những con số ấn tượng với 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Chỉ số Quyền lực châu Á 2024 của Viện nghiên cứu Lowy (Australia), sức mạnh tổng thể của Việt Nam đã tăng 1,2% so với năm 2023, tạo ra sức ảnh hưởng trong khu vực mạnh mẽ hơn so với các dự báo trước đó. Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Viện Lowy Susannah Patton cho biết sự cải thiện lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024 là sức ảnh hưởng về ngoại giao và văn hóa.
Chị Nguyễn Thị Việt Hà, Giám đốc điều hành Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt-Australia (VACEO) tại Australia, khẳng định văn hóa là một công cụ sắc bén trong chiến lược và trong mối quan hệ của Việt Nam với các quốc gia. Khi văn hóa Việt Nam chạm đến trái tim của bạn bè quốc tế, chị Việt Hà tin rằng dân tộc Việt Nam sẽ nâng tầm được vị thế, từ đó góp phần thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp hơn.
Qua hoạt động ngoại giao văn hóa, Việt Nam còn tiếp thu được các tinh hoa và giá trị văn hóa từ các nước trên thế giới, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa đa dạng và giàu bản sắc của dân tộc.
Các hoạt động giao lưu văn hóa với các nước như Lễ hội Việt Nam-Nhật Bản, Liên hoan Múa quốc tế 2024, Giao lưu Nghệ thuật quốc tế “Chào Năm mới 2024”…, góp phần thúc đẩy tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước.
Tại Italy, các bài hát của nhạc sỹ Puccini được dịch sang tiếng Việt và được nữ ca sỹ opera Maria Ielli trình bày mới đây tại Bologna là ví dụ điển hình về đối thoại văn hóa, nhấn mạnh khả năng của văn hóa Việt Nam trong việc tương tác và hòa nhập với các truyền thống nghệ thuật khác. Các yếu tố nghệ thuật Việt Nam đã làm phong phú thêm các lễ hội đón năm mới của người Italy, tạo ra điểm giao thoa văn hóa củng cố hình ảnh Việt Nam như một quốc gia năng động và cởi mở với thế giới.
Chuyên gia Trung Quốc Lăng Đức Quyền, nhà nghiên cứu về các vấn đề Việt Nam đánh giá năm 2024 là “một năm bội thu” của ngoại giao văn hóa Việt Nam. Điều này phần nào được phản ánh qua những kết quả đạt được trong công tác quảng bá văn hóa Việt Nam tại Trung Quốc cũng như vai trò của văn hóa trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Ông Lăng Đức Quyền nhấn mạnh ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ngày càng quan tâm xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và ngoại giao văn hóa. Ngoại giao văn hóa của Việt Nam phát triển cùng với sự phát triển của ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao nhân dân và được nâng tầm cùng với sự phát triển sức mạnh quốc gia toàn diện cũng như sức mạnh mềm của Việt Nam.
Mỗi công dân Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước cũng góp thêm những ngọn lửa để thắp sáng mãi những giá trị văn hóa Việt ở muôn nơi. Với họ, tiếng nói của người Việt, văn hóa của đất Việt được vang lên ở “xứ người” là điều vô cùng tuyệt vời, là niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc, đồng thời cũng tạo chỗ đứng cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Với tinh thần đó, những tổ chức như hội người Việt Nam ở các nước, Hiệp hội Nhịp cầu Văn hóa Italy-Việt Nam ở thành phố Bologna, VACEO… đã tổ chức rất nhiều sự kiện văn hóa mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam, quảng bá rộng rãi, giúp kiều bào và bạn bè quốc tế có cơ hội khám phá, hiểu sâu hơn về những giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam, đồng thời giúp gắn kết cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Bà Lê Thị Bích Hường, Chủ tịch Hiệp hội Nhịp cầu văn hóa Italy-Việt Nam, giảng viên thực hành tiếng Việt tại Đại học Ca Foscari, cho biết tiếng Việt được đưa vào giảng dạy với chương trình cử nhân tại trường đã góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam so với các nước châu Á khác mà ngôn ngữ của họ chưa được giảng dạy. Tiếng Việt sẽ không chỉ được dạy ở trường Đại học Ca Foscari mà tới đây sẽ được giảng dạy tại trường Đại học Turin từ tháng 2/2025.
Nhà nghiên cứu Lăng Đức Quyền dự báo năm 2025, ngoại giao văn hóa của Việt Nam cũng như các lĩnh vực khác sẽ đạt được những thành tựu to lớn hơn. Dự báo này hoàn toàn có cơ sở khi nhìn vào những thành quả mà công tác ngoại giao văn hóa đã tạo ra nhờ sự chung tay của toàn thể bộ máy chính trị, xã hội và các cộng đồng cả trong và ngoài nước.
Giống như khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm “văn hóa vừa là phương tiện, vừa là phương châm, vừa là nguyên tắc, vừa là mục tiêu của đối ngoại; không ngừng nhân sức mạnh mềm quốc gia lên tầm cao mới”, ngoại giao văn hóa đang góp phần lan tỏa và nâng tầm giá trị Việt Nam trên toàn thế giới.
Theo Vietnamplus