Những cuộc đời trường thọ yên vui kỳ này xin giới thiệu câu chuyện của nguyên đại sứ Võ Anh Tuấn.
Là độc giả mấy mươi năm của Tuổi Trẻ, ông Võ Anh Tuấn cười thật tươi khi cầm tờ đặc san 30-4-2023 vừa phát hành trên tay: “Đọc giới thiệu mấy hôm rồi, chờ mãi đây”.
Giở lướt tờ báo từ đầu tới cuối, ông gật đầu: “Mong metro mau chạy để tôi còn kịp đi vài chuyến, chân đã yếu rồi từ hôm Tết bị té tới giờ…”. Nói rồi ông chọn một trang báo để bắt đầu đọc kỹ, chính là những bài thuộc chuyên môn ngoại giao vốn luôn là mối quan tâm hàng đầu của ông.
Chỉ cần có Tâm
“Thương mại Việt – Mỹ tăng 300 lần và hơn nữa… Tốt quá, phải vậy chứ, chiến tranh qua lâu rồi mà”, ông vừa đọc báo vừa lẩm nhẩm.
Là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, cựu đại sứ Võ Anh Tuấn không kết thúc sứ mệnh ngoại giao của mình sau khi chấm dứt các nhiệm kỳ đại sứ ở nhiều nước và Liên Hiệp Quốc, rồi các nhiệm vụ tại Thành ủy TP.HCM.
Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc, ông tự nguyện tiếp tục công tác “ngoại giao nhân dân” cho đến tận hôm nay, tự nguyện lao vào viết sách, trao truyền những nghiên cứu và kinh nghiệm một đời ngoại giao của mình lại cho những thế hệ sau.
“Có sách mới của tôi chưa? Cuốn này viết rất rộng nha…”, ông khoe cuốn sách mới xuất bản cuối năm 2022 – Toàn cầu hóa – Hợp tác và đấu tranh.
Đây là đầu sách thứ 10 mà ông đã xuất bản từ ngày nghỉ hưu. Đến nhà thăm ông, buổi sáng – buổi trưa – buổi chiều hay buổi tối, lúc nào cũng thấy ông đang làm gì đó. Đọc báo Sài Gòn Giải Phóng, Tuổi Trẻ và sách, tài liệu bên bàn nước, viết báo viết sách trên máy vi tính bên bàn làm việc, chăm cây trên sân thượng, hay phát biểu ở các cuộc hội thảo, về quê làm từ thiện.
Tuổi 97 rồi còn viết sách về toàn cầu hóa, sao ông không chọn những đề tài nhẹ nhàng hơn? Ông cười: “Cái nghiệp nó vận vào thân rồi, nhẹ nhàng tình cảm hơn thì đọc thơ của bà nhà tôi”.
Bà mất đã mấy năm. Nhớ bà, ông vẫn giở những vần thơ mộc mạc của bà ra đọc, như hai người vẫn trò chuyện bao năm qua. Đây là thơ bà viết mừng ông khi 90 tuổi: “Năm tháng đã trôi qua/ Nhưng tình của hai ta/ Lúc trẻ như khi già/ Cùng chăm sóc cho nhau/ Khi trời chiều xế bóng/ Và động viên lẫn nhau/ Những tháng ngày còn lại/ Sức khỏe là trên hết/ Phải chú ý giữ gìn/ Để có sức tiếp tục/ Đóng góp thêm cho đời/ Những gì ta đã làm/ Từ trước đến ngày nay/ Anh tiếp tục viết bài/ Hai ta làm từ thiện…”.
Và đây là thơ bà viết về vườn cây sân thượng mà ông bà đã dốc tâm sức chăm bón sớm hôm nhiều năm qua: “Nhà tôi có một vườn cây/ Ở trên sân thượng, ban công nhà mình/ Quanh năm cành lá tươi xanh/ Đơm bông, kết trái, bướm ong quây quần/ Mỗi khi nhìn thấy vườn hồng/ Khế, ổi, cóc, mận, thanh long chín muồi/ Hương thơm phảng phất ngọt ngào/ Không khí trong sạch góp vào môi sinh/ Sáng chiều lên tập dưỡng sinh/ Tinh thần sảng khoái, lạc quan yêu đời…”.
Xem lại, ông cười mà mắt ướt: “Chúng tôi sống thế nào, bà ấy viết cả vô đó rồi. Mảnh vườn ấy, khi bà mất, cũng đã tàn đi một phần”.
Tôi đã từng được ông bà vui thích tự hào dẫn lên xem mảnh vườn xum xuê hoa trái trên sân thượng tầng 3, từng được nếm trái ổi xá lị mềm ngọt mà có đợt ra trái oằn sai, trĩu nặng đến mức bà bảo ông: “Đừng hái, để dành mang đến hội hoa xuân xin triển lãm”.
“Có phải giống quý hiếm gì đâu, là cây họ chở xe đạp bán dạo ngang qua, tôi mua mang lên trồng thôi” – ông cười hiền lành, và nói thêm: “Chắc cảm cái tâm mình chăm bón nên cây trả lại trái to trái ngọt vậy. Việc gì cũng vậy, chỉ cần có Tâm là kết quả sẽ tốt” – ông cười hóm hỉnh, liếc ngang về phía bà.
Lúc ấy tôi mới biết bà tên là Tâm, và tên thật của ông là An. “An – Tâm, Tâm – An, thế nào cũng hay và cũng yên phải không?”, bà cười nói vậy.
Ghép tên hai vợ chồng để nhấm nháp hạnh phúc bình yên là điều bà rất thích, cứ nhắc hoài với ông: “Ông tơ bà nguyệt xe duyên tơ hồng/ An – Tâm tên thật vợ chồng chúng tôi”.
Lấy buồn mà nuôi vui…
“Việc gì cũng cần có tâm” – ông hay nhắc lại như vậy, và không phải là tinh nghịch chơi chữ tên vợ nữa mà là nhắc tâm nguyện cả đời của mình. “Các tận sở năng. Các thụ sở nhu” (tạm dịch: Làm theo năng lực. Hưởng theo nhu cầu) là bài học đầu tiên đinh ninh mà cậu bé Nguyễn Văn An ở làng Tân Tạo, tổng Long Hưng Thượng, Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn học được, và ông đã sống theo phương châm ấy suốt một đời thanh thản.
“Tôi đã may mắn được nghề chọn, cả đời chỉ có hai nghề: giáo dục và ngoại giao. Rất phù hợp, và tôi đã cố gắng, đã hoàn thành, đã đóng góp được phần của mình” – 97 tuổi, ông tổng kết ngắn gọn đời mình như thế.
Quay lại tiếp tục với những tờ báo đang đọc dở, ông bảo: “Làm một người đọc báo chăm chỉ, chuyên nghiệp cũng có nhiều niềm vui, nỗi buồn. Vui khi đọc được một câu chuyện đẹp, gặp được trên báo một người tốt đang làm việc tốt, hy vọng nở lòng nở dạ khi được theo dõi một bước phát triển của đất nước, một bước tiến lên cùng thế giới.
Nhưng mà buồn thì ngày càng nhiều, khi theo dõi những tha hóa của cán bộ đã lên đến mức vấn nạn đe dọa sự tồn vong của chế độ, thể chế”. Tôi rất hiểu. Ông là chàng trai 18 tuổi đã tham gia cách mạng mùa thu tháng 8-1945 năm ấy, và sau những ngày tháng 8 ấy, đột nhiên giấc mơ “học giỏi, đỗ đạt, làm thầy thông thầy ký để thoát nghèo, báo hiếu cha mẹ” đã nuôi suốt thời thơ ấu chợt chìm biến mất tăm.
Cách mạng đã cho ông một giấc mơ lớn hơn là đấu tranh cho độc lập dân tộc, làm việc để xây dựng xã hội và ông đã đi theo cả đời mình. “Đến hôm nay tôi vẫn tiếp tục sự nghiệp ấy, lấy buồn mà nuôi vui, lấy thất vọng mà nuôi hy vọng. Mong các em, các cháu đừng nản lòng, đừng bỏ cuộc…”, ông nói trong lúc ký tặng tôi đầu sách thứ 10 của mình.
Những giải pháp chừng như vượt quá sức lực và thời gian của cụ ông 97 tuổi. Nói chuyện lòng buồn nhưng miệng ông mỉm cười: “Sự nghiệp dài hơn đời người. Tôi vẫn còn đây để tiếp tục theo dõi bước đi của các em các con các cháu. Thế hệ chúng tôi lớn lên khi “sơn hà nguy biến” và đã hoàn thành sứ mạng lịch sử giao cho mình rồi. Giờ còn đây ngày nào, tôi sẵn lòng tiếp lực cho thế hệ sau ngày đó…”.
Trên tường, bảng biên niên cuộc đời nhan đề “Những cuộc phiêu lưu của nhà ngoại giao Võ Anh Tuấn” do hai cháu nội đề tặng ông nội phác họa chặng đường 97 năm của ông với vài đường nét thật đơn giản.
Ông cũng tổng kết cuộc đời mình chỉ với hai chữ “thanh thản” nhẹ bâng. Và để được thanh thản sau cả cuộc đời dài làm cách mạng, làm chính trị, làm ngoại giao là một chữ Tâm được dưỡng nuôi mỗi giờ, mỗi ngày, từ mỗi việc nhỏ, việc lớn.
Không so sánh với mình trước kia, hãy so sánh với các nước
Tôi đọc những lời ông viết: “Làm thế nào để khắc phục tình trạng hiện nay, làm cho kinh tế tăng trưởng nhanh, đất nước phát triển mạnh mẽ và bền vững? Trong thời đại toàn cầu hóa như vũ bão, vừa hợp tác vừa đấu tranh quyết liệt, năng lực cạnh tranh quốc gia là điều kiện hàng đầu để phát triển nhanh và bền vững, để khỏi bị tụt hậu so với các nước khác.
Không thể lấy việc so sánh với chính mình trước kia và hiện nay, mà phải lấy việc so sánh với các nước khác để làm thước đo sự tiến bộ thật sự của nền kinh tế nước ta”. Cái nhìn thẳng thắn của nhà ngoại giao 97 tuổi.
Ông kể chuyện đi thăm Hàn Quốc và câu hỏi đau đáu sau khi tham quan bảo tàng “kỳ tích sông Hán”: “Tại sao hai nền kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc có xuất phát gần ngang nhau mà nay lại “một trời một vực” như vậy?”.
Và không chỉ hỏi, ông đã mày mò để tìm câu trả lời: “Cần phải đổi mới thể chế, gồm chính sách – tổ chức bộ máy – phương thức công tác – chống tham nhũng lãng phí… nhằm mục đích phát huy tối đa nội lực, khắc phục yếu kém và tiêu cực, phát huy quyền làm chủ của nhân dân”.
Phạm Vũ – báo tuoitre