Niềm hân hoan song phương hòa cùng “xuân hội ngộ” đa phương là mạch nguồn xuyên suốt chuyến công du nước ngoài đầu tiên Năm mới Giáp Thìn của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.
Chuyến xuất hành đầu Xuân luôn mang theo hy vọng về một năm mới thuận lợi, thành công, đủ đầy và hạnh phúc. Chắc rằng, hy vọng đó sẽ cất cánh cùng chuyên cơ đưa Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới thăm hai người bạn Thái Bình Dương – Australia và New Zealand. Đặc biệt, tại xứ sở chuột túi còn có sự tề tựu của đại gia đình ASEAN.
Ở cấp độ song phương, chuyến thăm chính thức Australia và New Zeland của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong những ngày đầu tháng Ba sẽ góp phần tạo xung lực mới cho các mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Australia và Việt Nam-New Zealand, vạch ra “kim chỉ nam” cho quan hệ giữa Việt Nam với hai đảo quốc Thái Bình Dương trước các bước ngoặt mới. Ở cấp độ đa phương, Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN – Australia (4-6/3) có ý nghĩa tạo tiền đề viết tiếp “câu chuyện đẹp” giữa ASEAN với đối tác đối thoại đầu tiên sau năm thập kỷ.
Viết tiếp “câu chuyện đẹp”
Australia là một trong những đối tác lâu đời nhất của ASEAN. Hai bên thiết lập quan hệ đối tác đối thoại năm 1974, nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược năm 2014 và Đối tác chiến lược toàn diện năm 2021.
Ngay từ năm 1974, Thủ tướng Australia Whitlam có câu nói nổi tiếng rằng: Chắc chắn ASEAN là tổ chức khu vực quan trọng nhất và phù hợp nhất ở Đông Nam Á. Tại các trao đổi cấp cao gần đây, Thủ tướng Anthony Albanese khẳng định Canberra coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Australia-ASEAN và luôn ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. Trong thư bổ nhiệm tân Đại sứ Australia tại ASEAN ngày 20/1, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong tiếp tục nhấn mạnh rằng, Australia cam kết mạnh mẽ về vai trò trung tâm của ASEAN và Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Về phía ASEAN, các thành viên Hiệp hội đặc biệt coi trọng quan hệ với Australia. ASEAN hoan nghênh Australia tích cực tham gia và ủng hộ các nỗ lực của ASEAN thúc đẩy đối thoại, hợp tác duy trì ổn định, phát triển thịnh vượng ở khu vực.
Rõ ràng, sự chân thành ngay từ ý niệm đã trở thành gốc rễ vững chắc để quan hệ ASEAN – Australia phát triển trong suốt năm thập kỷ qua. Trước thềm Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia, báo chí quốc tế đã dành nhiều “đất” để phân tích về mối quan hệ này với một tinh thần lạc quan. Chuyên gia lâu năm về ASEAN, ông Kavi Chongkittavorn trong một bài đăng trên Bangkok Post (Thái Lan) khẳng định ASEAN thực sự quan trọng đối với Australia. Thạc sĩ Ridvan Kilic tại Đại học La Trobe (Australia) trong bài đăng trên trang web của Viện Quan hệ quốc tế Australia (AIIA) cho rằng, dư địa hợp tác cùng có lợi giữa ASEAN và Australia là rất lớn với những sáng kiến sâu rộng, thiết thực của Canberra trong hợp tác riêng với Hiệp hội.
Hợp tác kinh tế là điểm nhấn quan trọng trong quan hệ ASEAN-Australia, là mỏ neo để quan hệ hai bên tiến về phía trước bất chấp những thăng trầm. Ngay khi thiết lập quan hệ đối tác đối thoại năm 1974, Chương trình Hợp tác kinh tế ASEAN – Australia (AAECP) đã ra đời với cam kết Canberra cung cấp 5 triệu AUD cho các dự án kinh tế ASEAN. Năm thập niên sau, Chiến lược Kinh tế Đông Nam Á của Australia đến 2040 (công bố tháng 9/2023) của Thủ tướng Albanese tiếp tục là nguồn cảm hứng cho những cam kết lâu dài giữa hai bên.
Chắc chắn trong khí thế mới còn “nóng hổi” đó, Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN – Australia lần này sẽ góp phần định hướng cho quan hệ hai bên tiếp tục phát triển và đi vào chiều sâu, hiện thực hóa khát vọng của các nhà lãnh đạo trong hành trình phía trước. Là thành viên tích cực, chủ động trong ASEAN, đồng thời là một trong những đối tác quan trọng của Australia ở khu vực, Việt Nam sẽ tiếp tục thể hiện vai trò nòng cốt trong thúc đẩy quan hệ ASEAN – Australia.
Hiện thực hóa ý nguyện nâng tầm
Sau khi có chuyến thăm chính thức thành công tới Việt Nam tháng 6/2023 nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 5 năm Đối tác chiến lược Việt Nam-Australia, gặp lại Thủ tướng Phạm Minh Chính bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN 43 chỉ ba tháng sau đó tại Jakarta, Indonesia (tháng 9/2023), Thủ tướng Anthony Albanese bày tỏ mong muốn sớm nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên Đối tác chiến lược toàn diện. Với chuyến thăm đầy ý nghĩa lần này tới Canberra, gặp lại người bạn cũ Anthony Albanese, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có thêm những chia sẻ về ý nguyện đó.
Chia sẻ với báo chí trước thềm chuyến thăm, Đại sứ Việt Nam tại Australia Phạm Hùng Tâm cho rằng: “Những văn kiện, thỏa thuận quan trọng hai bên đạt được trong chuyến thăm này đưa quan hệ Việt Nam-Australia lên tầm cao mới”.
Ý nguyện đó không phải là những mong mỏi nhất thời mà chắc chắn là đích đến viên mãn cho một hành trình nỗ lực vun đắp quan hệ từ cả hai nước. Nửa thế kỷ qua, Australia giúp Việt Nam phá bao vây, cấm vận và khai phá các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi. Gần đây, hai nước đã triển khai hiệu quả Chương trình Hành động 2020-2023 và Chương trình hợp tác kinh tế tăng cường (EEES) tới 2025, đưa hợp tác thương mại trở thành điểm sáng khi trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau. Những năm gần đây, không ít nước phương Tây cắt giảm, song Australia vẫn giữ ODA, tài khóa 2022-2023 còn tăng 18%. Hai nước đang hướng tới các lĩnh vực hợp tác mới như đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng sạch, hợp tác trong lĩnh vực môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Đại sứ Phạm Hùng Tâm đánh giá Chính phủ Australia hiện nay hết sức coi trọng phát triển quan hệ với khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam; đánh giá cao vị thế và vai trò trung tâm của ASEAN nói chung và của Việt Nam nói riêng. Khi hội đàm với người đồng cấp Phạm Minh Chính tại Hà Nội vào tháng Sáu năm ngoái, Thủ tướng Anthony Albanese đã nhấn mạnh: “Australia sẽ đưa Việt Nam thành trọng tâm trong Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040 mà phía Australia đang xây dựng cũng như sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác tiểu vùng Mekong”…
Với quyết tâm và thiện chí của cả hai bên, hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, chuyến thăm chính thức Australia lần này của Thủ tướng Chính phủ sẽ thổi “luồng gió mới” tiếp tục đưa quan hệ hai nước phát triển ngày càng sâu rộng.
Giai đoạn mới, tầm nhìn mới
Những ngày cuối Hè này, xứ sở chim kiwi sẽ đón đoàn cấp cao Việt Nam trong nắng vàng ngập tràn và gió biển. Chuyến thăm chính thức New Zealand đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau bốn năm hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược sẽ góp phần đưa quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn mới. Những năm qua, hai nước đã thực hiện hiệu quả chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-New Zealand giai đoạn 2021-2024 và hướng đến đàm phán, ký kết chương trình hành động giai đoạn tiếp theo.
Trong các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo New Zealand nhiều lần khẳng định, Việt Nam là đối tác quan trọng của nước này ở khu vực cả về địa chính trị và kinh tế. Còn lãnh đạo cấp cao Việt Nam nhấn mạnh việc coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược với New Zealand, khẳng định tích cực thúc đẩy các chương trình hợp tác thực chất giữa ASEAN và New Zealand trên cương vị nước điều phối quan hệ ASEAN – New Zealand. Hai nước chia sẻ nhiều quan điểm, tầm nhìn chung về các vấn đề khu vực và thế giới.
Hợp tác kinh tế song phương là một điểm sáng khi thương mại hai chiều đã vượt mức trước đại dịch, đạt 1,59 tỷ USD/năm. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 14 của New Zealand. Hai bên tích cực thảo luận về cách thức để tăng cường hợp tác và liên kết kinh doanh trong các lĩnh vực mà cả hai nước đều có lợi thế cạnh tranh. Đối với New Zealand, đó là ngành thực phẩm và đồ uống, còn đối với Việt Nam là ngành sản xuất và chế biến hàng hoá. Bên cạnh đó, hai nước có tiềm năng thực sự trong việc mở rộng sang một số lĩnh vực mới và mới nổi.
Việt Nam rất quan tâm đến kinh nghiệm của New Zealand về công nghệ, số hóa và năng lượng xanh. Công nghệ là lĩnh vực xuất khẩu lớn thứ ba của New Zealand. Kinh tế số, kinh tế xanh luôn được Thủ tướng Phạm Minh Chính chú trọng trong các chuyến công du nước ngoài, vì vậy, đây sẽ trở thành tiêu điểm trong trao đổi với các nhà lãnh đạo New Zealand dịp này. Hai bên đang cùng nỗ lực để đạt được mục tiêu chung 2 tỷ USD thương mại hai chiều vào năm 2024.
Như vậy, chuyến thăm xuất hành đầu năm dài ngày của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới hai người bạn Thái Bình Dương mang theo nhiều thông điệp song phương và đa phương, minh chứng cho một tinh thần vươn xa Việt Nam, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đồng lòng cùng bạn bè quốc tế vững vàng vượt qua thử thách, gian nan, tiến về phía trước.
Theo baoquocte.vn