Nhân sự kiện kỷ niệm 45 năm Ngày Chiến thắng 7/1, ngày giải phóng đất nước Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot (7/1/1979 – 7/1/2024), trang chủ của Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC) mới đây đã đăng bài viết của chuyên gia Uch Leang, nhà nghiên cứu tại RAC, trong đó điểm lại sự kiện lịch sử trọng đại diễn ra cách đây gần nửa thế kỷ và vai trò của Bộ đội tình nguyện Việt Nam, những thành tựu của đất nước Campuchia trong tiến trình phát triển và gìn giữ hòa bình, đồng thời nhấn mạnh những thành quả và triển vọng hợp tác toàn diện giữa hai đất nước Campuchia và Việt Nam.
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, bài viết có tiêu đề “Kỷ niệm 45 năm Ngày Chiến thắng 7/1: Campuchia – Việt Nam tiếp tục vun đắp quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực và mọi cấp độ”, nhấn mạnh ý nghĩa của sự kiện nhân dân Campuchia được giải cứu và giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, vốn đã biến đất nước Campuchia trở thành cánh đồng chết trong 3 năm 8 tháng 20 ngày và hơn 3 triệu người dân Campuchia vô tội thiệt mạng.
Theo bài viết, vào ngày 7/1/1979, lực lượng quân đội của Mặt trận Đoàn kết Cứu quốc Campuchia và nhân dân Campuchia, với sự ủng hộ, hỗ trợ của Bộ đội tình nguyện và nhân dân Việt Nam, đã lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ do Pol Pot, Ieng Sary, Khieu Samphan lãnh đạo, giải phóng dân tộc và đất nước Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Chiến thắng này là sự kiện lịch sử thể hiện tinh thần đại đoàn kết quốc tế giữa nhân dân và quân đội hai nước Campuchia-Việt Nam, mở ra trang mới trong quan hệ hữu nghị, láng giềng tốt đẹp giữa hai nước.
Sau chiến thắng vẻ vang ngày 7/1/1979, Bộ đội tình nguyện Việt Nam tiếp tục hỗ trợ đào tạo, huấn luyện cho đến khi quân đội Campuchia đủ khả năng chiến đấu ngăn chặn sự trở lại của chế độ diệt chủng, vốn tháo chạy và đồn trú ở khu vực biên giới Campuchia-Thái Lan. Sau đó, Bộ đội tình nguyện Việt Nam đã rút hoàn toàn khỏi Campuchia vào tháng 9/1989.
Nhà nghiên cứu Uch Leang nhận định kể từ khi Quân tình nguyện Việt Nam rút hoàn toàn khỏi Campuchia, quan hệ giữa Campuchia và Việt Nam không ngừng tiến triển cho đến ngày nay và ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Quan hệ Campuchia-Việt Nam không chỉ là mối quan hệ truyền thống, láng giềng mà còn là mối quan hệ anh em đồng cam cộng khổ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.
Bài viết điểm lại những thành tựu trong công cuộc duy trì hòa bình và phát triển của đất nước Campuchia, cũng như kết quả chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày 11 và 12/12/2023 của Thủ tướng Hun Manet. Theo đó, qua chuyến thăm, người đứng đầu chính phủ hai nước đánh giá cao sự phát triển ổn định của quan hệ song phương và hợp tác toàn diện, cùng thảo luận về lộ trình hành động trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư, du lịch, kết nối, y tế, giáo dục, an ninh, biên giới và quốc phòng giữa hai bên; đồng thời cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác và xem xét các lĩnh vực mới nhiều tiềm năng, thông qua việc thường xuyên trao đổi các chuyến thăm, đối thoại và tiếp xúc giữa lãnh đạo các cấp.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, phía Campuchia đề xuất tăng cường thương mại và đầu tư thông qua hợp tác bổ sung theo hình thức “Việt Nam+1”, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và du lịch; đồng thời nhấn mạnh lợi ích chung của việc xây dựng kế hoạch hành động phát triển du lịch Campuchia-Lào-Việt Nam với khẩu hiệu “Ba quốc gia, một điểm đến”.
Theo chuyên gia RAC, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hun Manet đã góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác trên mọi lĩnh vực dựa trên tinh thần láng giềng tốt đẹp, đoàn kết và hiểu biết lẫn nhau. Từ đó, mối quan hệ Campuchia-Việt Nam ngày càng phát triển thông qua việc tăng cường hoạt động thương mại và đầu tư, trong bối cảnh hai nước có tiềm năng lớn về quan hệ đối tác kinh tế và kết nối chuỗi cung ứng. Theo đó, quan hệ thương mại ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Campuchia ghi nhận tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm hơn 20% trong giai đoạn 2015-2020 và vượt mốc 10 tỷ USD vào năm 2022, đạt 10,57 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm trước đó. Xuất phát từ tốc độ tăng trưởng ổn định của thương mại song phương, lãnh đạo hai nước đã đặt mục tiêu thương mại song phương đạt 20 tỷ USD trong thời gian tới. Để hiện thực hóa mục tiêu này, hai bên nhất trí phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có, trong đó có Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ.
Bài viết dẫn báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho biết tính đến năm 2023, có 206 dự án đầu tư Việt Nam tại Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,94 tỷ USD, đứng thứ hai trong 80 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp nhận nguồn vốn đầu tư của Việt Nam, dẫn đầu khu vực thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Việt Nam cũng nằm trong top 5 quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp cao nhất vào Campuchia.
Theo nhà nghiên cứu Uch Leang, cùng với mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương Campuchia-Việt Nam lên 20 tỷ USD trong thời gian tới, việc xúc tiến điểm kết nối tuyến đường cao tốc Phnom Penh-Bavet và TP Hồ Chí Minh-Mộc Bài nhằm thúc đẩy thương mại và dòng vốn đầu tư, hoạt động hợp tác bổ sung thông qua thể thức “Việt Nam+1”, đặc biệt là hợp tác về nông nghiệp, công nghiệp, du lịch nói riêng và mọi lĩnh vực nói chung, sẽ góp phần tích cực vào việc hiện thực hóa tầm nhìn đưa Campuchia trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và có thu nhập cao vào năm 2050.
Từ nhận định trên chuyên gia thuộc RAC cho rằng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa Campuchia và Việt Nam.
Quang Anh – Huỳnh Thảo (TTXVN)