Việt Nam cùng APEC kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Tranh thủ tốt các nguồn lực của APEC, vượt qua các hạn chế nội tại, Việt Nam tiếp tục góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế bền vững của khu vực…

Hoa Kỳ lựa chọn chủ đề “Kiến tạo một tương lai tự cường và bền vững cho tất cả mọi người” cho năm APEC 2023.

Trong 25 năm là thành viên tích cực và chủ động của Diễn đàn Hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC), dấu ấn Việt Nam nổi bật qua hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà, đề xuất hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực, giữ vai trò điều hành nhiều hoạt động quan trọng và nổi bật là chủ động khởi sướng, tham gia dẫn dắt xây dựng tầm nhìn APEC với tiêu đề “Người dân và thịnh vượng: Tầm nhìn APEC đến 2040”.

Trách nhiệm, chủ động và dẫn dắt

Cùng với 21 nền kinh tế thành viên, Việt Nam tiếp tục coi trọng APEC – cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á – Thái Bình Dương, diễn đàn hàng đầu khu vực, thúc đẩy nỗ lực đa phương trong phục hồi kinh tế và chuẩn bị cho các bước tăng trưởng bền vững, bao trùm và tự cường.

Hơn nữa, APEC còn có ý nghĩa quan trọng cả về an ninh và kinh tế của Việt Nam, bởi diễn đàn này quy tụ 15 trên 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và là các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng hàng đầu, chiếm hơn 77% thương mại, gần 81% đầu tư trực tiếp và hơn 85% du lịch của nước ta. 17/20 thành viên APEC là đối tác Hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam.

Tròn một phần tư thế kỷ tham gia APEC, nhất quán với chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam ngày càng chứng tỏ mình là thành viên có trách nhiệm, chủ động và đóng góp tích cực vào hoạt động chung của Diễn đàn.

Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC (các năm 2006 và 2017); vị trí Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC (2005-2006); Chủ tịch/Phó Chủ tịch nhiều ủy ban và nhóm công tác chủ chốt trong APEC, như Ủy ban thương mại và đầu tư, Ủy ban quản lý ngân sách, các Nhóm công tác về doanh nghiệp vừa và nhỏ, y tế, đối phó với tình trạng khẩn cấp…; vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch 18 Ủy ban, Nhóm công tác của APEC và ABAC chỉ trong giai đoạn 2016-2018. Việt Nam cũng đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Nhóm ASEAN trong APEC năm 2022…

Đặc biệt, Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất hơn 100 dự án trên nhiều lĩnh vực. Nhiều sáng kiến do Việt Nam đề xuất được cộng đồng APEC hoan nghênh vì tính thiết thực, đáp ứng quan tâm và lợi ích chung, nhất là về phát triển bền vững, bao trùm, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, thúc đẩy kinh tế số, thu hẹp khoảng cách số tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) xanh, bền vững và sáng tạo, an ninh lương thực, ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý rác thải đại dương, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ…

Với vai trò Phó Chủ tịch Nhóm xây dựng Tầm nhìn APEC, Việt Nam đã chủ động tham gia dẫn dắt, điều phối quá trình xây dựng Báo cáo khuyến nghị của Nhóm Tầm nhìn APEC với tiêu đề “Người dân và thịnh vượng: Tầm nhìn APEC đến 2040”.

Với Tầm nhìn APEC đến năm 2040 và Kế hoạch Aotearoa triển khai Tầm nhìn được các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên thông qua, APEC đã hoàn tất thực hiện sáng kiến do Việt Nam khởi xướng và được thông qua tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng (11/2017). Việt Nam là thành viên duy nhất tự nguyện báo cáo kết quả triển khai Kế hoạch hành động Aotearoa trên cả ba trụ cột.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam chủ động tham gia đề xuất nhiều giải pháp nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, bảo đảm thị trường xuất nhập khẩu của các nền kinh tế trong khu vực; thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp chính sách trong triển khai các giải pháp kinh tế, tài chính để vượt qua khủng hoảng; tăng cường biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua giai đoạn khó khăn và nâng cao khả năng thích ứng trong tình hình mới.

Tại APEC 2022, Việt Nam nỗ lực đề xuất và ủng hộ các nội dung hợp tác cần bảo đảm môi trường thương mại và đầu tư mở, minh bạch, không phân biệt đối xử; hỗ trợ các nền kinh tế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số thành công; đảm bảo sự “cân bằng” trong mỗi nền kinh tế giữa các lĩnh vực, giữa các thành phần xã hội; cân bằng lợi ích và trách nhiệm giữa các nền kinh tế, các khu vực; cân bằng giữa bảo đảm tính tự chủ, tự cường của mỗi nền kinh tế và chủ động mở cửa, hội nhập và liên kết kinh tế; cân bằng giữa đổi mới, chuyển đổi với bảo đảm sự ổn định…

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đóng góp nhiều đề xuất và khuyến nghị lên các nhà lãnh đạo, các bộ trưởng APEC và trực tiếp tham gia triển khai nhiều hoạt động hợp tác liên kết kinh tế khu vực.

Tham gia APEC giúp Việt Nam đẩy mạnh triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và nâng tầm đối ngoại đa phương, nâng cao vị thế quốc tế; thúc đẩy quan hệ song phương, góp phần tạo đan xen lợi ích dài hạn và đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, củng cố môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước…

Nhận lời mời của lãnh đạo chủ nhà APEC, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 30 (17/11) và các sự kiện liên quan, như Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo với Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC, Đối thoại không chính thức giữa các nhà lãnh đạo APEC với khách mời và phát biểu dẫn đề tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC.

Những điểm nhấn mới

Năm 2023, với lần thứ ba đăng cai Diễn đàn APEC, nước chủ nhà Hoa Kỳ lựa chọn chủ đề “Kiến tạo một tương lai tự cường và bền vững cho tất cả mọi người” dựa trên ba ưu tiên về Kết nối – xây dựng một khu vực tự cường và kết nối thúc đẩy thịnh vượng kinh tế toàn diện; Đổi mới sáng tạo – thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo vì tương lai bền vững; và Bao trùm – củng cố tương lai bình đẳng và bao trùm cho mọi người dân. Chủ đề và các ưu tiên năm nay có sự tiếp nối với chủ đề và ưu tiên của các chủ nhà APEC những năm gần đây, đặc biệt chú trọng thúc đẩy hợp tác về phát triển bền vững và bao trùm, kết nối, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới.

Theo đó, hợp tác APEC tiếp tục ưu tiên nhấn mạnh sự kết nối với nhau, đổi mới và toàn diện; tập trung nỗ lực triển khai các chiến lược, chương trình hợp tác lớn, gồm: Chương trình nghị sự tăng cường về cải cách cơ cấu; Lộ trình cạnh tranh dịch vụ đến năm 2025; Kế hoạch kết nối tổng thể đến 2025; Chương trình nghị sự phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội đến 2030; Khuôn khổ phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số đến 2025; Lộ trình La Serena về phụ nữ và tăng trưởng bao trùm đến 2030.

Bên cạnh đó, vai trò APEC còn thể hiện ở thực tiễn nhiều liên kết kinh tế quy mô lớn đã bắt nguồn từ APEC và thành viên APEC, mà Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau này là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác toàn diện kinh tế khu vực (RCEP) là những minh chứng sống động.

Với những điểm nhấn mới đó, nên dù đa dạng về thể chế và trình độ phát triển, lợi ích cốt lõi và vị thế quốc tế, APEC tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng hàng đầu, cùng với các nền tảng đa phương khác, góp phần định hình lại trật tự thế giới, hướng đến mô hình công bằng hơn, thúc đẩy luật lệ và quy tắc quốc tế để thích ứng với thay đổi qua thời gian; định hướng và thúc đẩy xu thế tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực…

Việt Nam khẳng định, tiếp tục tích cực ủng hộ, phối hợp chặt chẽ với chủ nhà Hoa Kỳ, các thành viên APEC chủ chốt và các thành viên ASEAN trong APEC duy trì nguyên tắc thương mại – đầu tư tự do và mở của Diễn đàn, thúc đẩy đà hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, thúc đẩy nỗ lực phục hồi kinh tế và tăng trưởng bền vững, bao trùm trong dài hạn, bảo đảm thành công của Năm APEC 2023; thúc đẩy đoàn kết và đề cao vai trò của ASEAN.

Trong thời gian tới, trên cơ sở phát huy thành quả và kinh nghiệm đã có, Việt Nam cần tiếp tục chủ động xây dựng và triển khai nội dung cam kết trong APEC; tăng cường phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong chủ trì hoặc đồng chủ trì các dự án hợp tác của APEC về kinh tế tuần hoàn, xử lý rác thải cứng đại dương, thương mại điện tử, nâng cao quyền năng cho phụ nữ, ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, y tế biển, kết nối chuỗi cung ứng tự cường…

Đặc biệt, Chính phủ, chính quyền các cấp cần đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, nâng cao năng lực phản ứng chính sách và phản ứng thị trường, tranh thủ tốt các nguồn lực của APEC, góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, thích ứng kịp thời với mọi biến động nhanh chóng của bối cảnh khu vực và thế giới…

TS. NGUYỄN MINH PHONG

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *