Nakhon Phanom, điểm đến của tình hữu nghị Việt Nam-Thái Lan

Nhân kỷ niệm 47 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thái Lan (6/8/1968-6/8/2023), hãy cùng tìm hiểu đến với Nakhon Phanom – nơi minh chứng rõ nét tình bạn thủy chung, keo sơn giữa hai dân tộc.

Nakhon Phanom thuộc vùng khu vực Đông Bắc Thái Lan, nằm bên hữu ngạn sông Mekong, tiếp giáp với thị xã Thakek của nước Lào. Từ xưa đến nay, đây được xem là cửa ngõ của Thái Lan đối với các nước Đông Dương.

Tháng 7/1928, với bí danh là Thầu Chín, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đến Nakhon Phanom mở các lớp huấn luyện và giác ngộ thanh niên Việt kiều yêu nước.

Làng Hữu nghị Việt Nam-Thái Lan. (Nguồn: Flamingo Redtours)

Tại đây, Người đã đề nghị dân làng đổi tên từ bản Nachok (bản Chó Sói) thành bản Mạy có nghĩa là “làng mới”, đánh dấu sự đổi mới làng quê do cộng đồng người Việt lập nên.

Hiện có tới 80.000 người, chiếm đến 80% người Việt sống tại Thái Lan tập trung ở vùng Đông Bắc Thái Lan, trong đó người Việt ở Nakhon Phanom nhiều nhất.

Chỉ tính riêng ở Bản Mạy có 118 hộ với gần 1000 nhân khẩu nhưng có hơn 90% là người Việt. Ngày nay, bản Mạy vẫn giữ được nguyên vẹn không gian dân tộc của một làng thuần người Thái gốc Việt với mái đình cong cong, cây trái sum suê…

Vào năm 2004, Làng Hữu nghị Thái Lan-Việt Nam và Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được chính quyền hai nước xây dựng ngay tại bản Mạy, là biểu trưng cho sự hợp tác, phát triển của hai dân tộc.

Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Nguồn: Flamingo Redtours)

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm 12 hạng mục trong đó có không gian nhà thờ tưởng niệm Bác, được xây theo kiến trúc Việt Nam.

Ngoài ra còn ba khu nhà được xây dựng để trưng bày các hiện vật và đồ lưu niệm: Hồ nước trồng sen, thả cá, núi đá nhân tạo… Đây cũng là một địa điểm thăm quan không thể bỏ qua khi du khách đến với vùng Đông Bắc Thái Lan

Nếu không có hình ảnh Quốc Vương Rama 9, thoạt nhìn nhiều người sẽ lầm tưởng đây là một góc ảnh khác của chợ Bến Thành (Việt Nam). Nhưng thực tế đó là Tháp đồng hồ Việt Kiều ở Nakhon Phanom, được cộng đồng người Việt xây dựng vào năm 1960.

Tháp đồng hồ Việt Kiều ở Nakhon Phanom. (Nguồn: Flamingo Redtours)

Cột tháp cao 50m, bốn mặt được gắn đồng hồ, phần mái được thiết kế cong cong theo lối kiến trúc truyền thống của người Việt. Ở vị trí trung tâm ghi dòng chữ “Tháp Việt Kiều lưu niệm dịp hồi hương”.

Ngày nay, ở Nakhon Phanom có rất nhiều di tích gắn liền với cộng đồng người Việt nhưng mỗi khi du khách đến đây ai cũng phải một lần đến thăm tháp Việt kiều.

Chùa Phra That Phanom độ trì cho những người sinh vào Chủ nhật. (Nguồn: Flamingo Redtours)

Họ đến để chụp ảnh check in, shopping, để ngắm nhìn dòng sông Mekong uốn lợn và để thêm trân trọng về biểu tượng tuyệt đẹp của tình hữu nghị hai nước Việt Nam-Thái Lan.

Nakhon Phanom không chỉ hấp dẫn du khách bởi những địa danh gắn liền với quá trình hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cộng đồng người Việt mà nơi đây còn có nhiều điểm tham quan, trải nghiệm hấp dẫn khác.

Đây cũng là nơi duy nhất trên đất Thái có đầy đủ các di tích Phật giáo ứng với ngày sinh của từng người trong một tuần lễ. Những di tích này nằm rải rác ở Nakhon.

Trải nghiệm đi du thuyền ăn tối trên dòng sông Mekong. (Nguồn: Flamingo Redtours)

Đến Nakhon Phanom, du khách đừng quên trải nghiệm đi du thuyền ăn tối trên dòng sông Mekong thơ mộng. Vừa thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị truyền thống của Thái Lan, vừa được ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên đẹp như tranh vẽ ở hai bên bờ sông của hai nước Thái và Lào.

Đài tưởng niệm Thần rắn Naga. (Nguồn: Flamingo Redtours)

Đài tưởng niệm Thần rắn Naga là bức tượng bằng đồng tinh xảo của Thần rắn Naga bảy đầu. Người dân bản địa cũng như du khách thường đổ về đây mỗi dịp lễ cúng từ 7-13 tháng 7 hàng năm để cầu nguyện bình an, may mắn, tiền tài.

Cầu Hữu Nghị Thái-Lào với chiều dài 780 m, rộng 13 m là địa điểm lý tưởng để ngắm hoàng hôn hay bình minh lấp lánh như dát vàng buông xuống dòng sông Mekong.

Cầu Hữu Nghị Thái-Lào. (Nguồn: Flamingo Redtours)

Từ Nakhon Phanom dễ dàng kết nối với các địa danh du lịch nổi tiếng của các tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan như Udon Thani, Mukdahan.

Chùa Pakhukon tại Udon Thani. (Nguồn: Flamingo Redtours)

Để đến Nakhon Phanom, du khách có thể di chuyển bằng đường hàng không hoặc đường bộ. Với chi phí hợp lý, tour đường bộ đang được khách yêu thích.

Từ Hà Nội, du khách di chuyển bằng ô tô sang Lào qua các cửa khẩu Nậm Cắn (Việt Nam); NamKan, cửa khẩu Hữu Nghị (Lào) và nhập cảnh Thái Lan tại cửa Noongkhai.

BÍCH HUỆ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *