Phát huy vai trò ngọn cờ đầu trong công tác ngoại giao văn hoá

Quyền Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO Lê Thị Hồng Vân không giấu nổi niềm tự hào và xúc động chia sẻ với Thế giới và Việt Nam khi được vinh dự là một trong 20 tập thể và cá nhân được vinh danh tại chương trình Vinh quang Việt Nam 2024 vì những đóng góp đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Quyền Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO Lê Thị Hồng Vân đại diện nhận biểu trưng và bằng khen cho tập thể được vinh danh tại chương trình Vinh quang Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Chiều 19/5, Vụ Ngoại giao Văn hoá và UNESCO đã vinh dự là một trong 20 tập thể và cá nhân được vinh danh tại chương trình Vinh quang Việt Nam – một sự ghi nhận với những đóng góp của Vụ nói riêng, của ngành Ngoại giao nói chung đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Vinh quang Việt Nam là một sự kiện văn hóa chính trị đặc biệt tôn vinh tinh thần dân tộc, tình yêu Tổ quốc, các anh hùng; gương điển hình tiên tiến, doanh nghiệp, doanh nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đây là những tấm gương điển hình khơi dậy khát vọng phát triển kinh tế, xã hội đất nước, truyền cảm hứng, nghị lực sống cho xã hội theo đúng định hướng của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ 19 năm 2024 được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5 với chủ đề 20 năm khơi nguồn sức mạnh Việt Nam diễn ra tại Nhà hát lớn. Trong danh sách 20 tập thể và cá nhân được vinh danh năm nay, Bộ Ngoại giao vinh dự có tập thể Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO nằm trong danh sách.

Chung sức, đồng lòng, vào cuộc quyết liệt

Chia sẻ với Thế giới và Việt Nam về niềm vui đặc biệt nàyQuyền Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO Lê Thị Hồng Vân không giấu nổi niềm tự hào, vui mừng và xúc động: “Chúng tôi cảm nhận sâu sắc sự vinh danh này không chỉ dành cho một tập thể đơn lẻ, mà là sự ghi nhận của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và nhân dân đối những đóng góp quan trọng của ngành Ngoại giao nói chung và công tác ngoại giao văn hoá nói riêng trong năm qua”.

Bà Lê Thị Hồng Vân khẳng định, thành quả đạt được không chỉ đến từ những đóng góp, nỗ lực của một đơn vị như Vụ Ngoại giao Văn hoá và UNESCO mà là sự chung sức, đồng lòng, vào cuộc quyết liệt của nhiều đơn vị trong Bộ, 94 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai hiệu quả chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ; trực tiếp là Bộ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam.

Đây là sự kiện đáng nhớ với các cán bộ, nhân viên của Vụ Ngoại giao Văn hoá và UNESCO cũng như các cán bộ của Bộ Ngoại giao đang công tác ở trong và ngoài nước. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Quyền Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hoá và UNESCO cũng nhấn mạnh, đó còn là sự đồng hành, phối hợp hiệu quả của các bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp… Ngoại giao văn hoá cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế trở thành một bộ phận quan trọng của ngoại giao toàn diện, hiện đại; tranh thủ tốt nhất các điều kiện thuận lợi để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội địa phương, đất nước; lan tỏa các giá trị, vẻ đẹp văn hóa, con người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế đất nước.

Việc được vinh danh tại chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2024, theo bà Lê Thị Hồng Vân còn là sự ghi nhận nỗ lực của toàn ngành Ngoại giao, phát huy mạnh mẽ bản sắc “ngoại giao cây tre Việt Nam”, đóng góp vào thành tích của đối ngoại Việt Nam trong năm qua – một điểm sáng đầy ấn tượng trong thành tựu chung của đất nước.

“Hôm nay là một ngày rất vui, rất đáng nhớ đối với anh chị em Vụ Ngoại giao Văn hoá và UNESCO, cũng như tất cả đồng nghiệp của chúng tôi ở Bộ Ngoại giao đang công tác ở trong và ngoài nước”, Quyền Vụ trưởng Lê Thị Hồng Vân xúc động nói.

Chương trình Vinh quang Việt Nam được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là món quà ý nghĩa Vụ Ngoại giao Văn hoá và UNESCO dành để kính dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, người thầy của ngoại giao cách mạng Việt Nam.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chụp ảnh lưu niệm với tập thể Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Những dấu ấn quan trọng

Quyền Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hoá và UNESCO Lê Thị Hồng Vân cho biết, vinh dự, tự hào rất lớn, nhưng Vụ cảm thấy trách nhiệm còn lớn hơn. Đó là tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của ngành Ngoại giao mà các thế hệ cha anh đã dày công vun đắp; tiếp tục hun đúc nhiệt huyết, quyết tâm, dấn thân đóng góp xuất sắc hơn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Thời gian qua, với tinh thần “ngoại giao văn hóa là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, được triển khai đồng bộ trên các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”, Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO đã phát huy sức mạnh của tập thể, thực hiện các hoạt động lồng ghép hiệu quả, thực chất việc bảo tồn và phát huy các di sản, danh hiệu quốc tế đã được công nhận vào các đề án, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, du lịch, hợp tác, đầu tư… của các địa phương.

Với vai trò là đơn vị điều phối triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hoá và đầu mối Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO đã tham gia vận động UNESCO ghi danh 7 danh hiệu mới, đưa tổng số danh hiệu UNESCO ở Việt Nam lên 68, góp phần tạo thêm nguồn lực, thu hút du lịch, định vị thương hiệu địa phương, phục vụ thiết thực phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đất nước.

Vụ cũng đã phối hợp chặt chẽ với Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO làm nên “hiện tượng Việt Nam” tại UNESCO. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam cùng một lúc đảm nhận trọng trách tại 5 trong 7 cơ chế điều hành quan trọng nhất của UNESCO, trong đó có Ủy ban Di sản thế giới, khẳng định vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam.

Vụ Ngoại giao Văn hoá và UNESCO sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của ngành mà các thế hệ cha anh đã dày công vun đắp, tiếp tục hun đúc nhiệt huyết, quyết tâm, dấn thân đóng góp xuất sắc hơn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Không chỉ vậy, công tác ngoại giao văn hóa cấp cao trong thời gian qua, đặc biệt trong hai năm trở lại đây đã tạo những dấu ấn quan trọng, góp phần vào tăng cường tin cậy chính trị với các đối tác, phát triển sức mạnh mềm và nâng cao thương hiệu quốc gia.

Để có được những kết quả như vậy là có sự chỉ đạo kịp thời và đúng đắng về chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, thông qua các kết quả trên, một lần nữa khẳng định “Văn hóa là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”.

Ngoại giao văn hóa, cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế là ba trụ cột quan trọng của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại.

Với vai trò và sứ mệnh của mình, ngoại giao văn hoá đã có những đóng góp thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam nói chung và của địa phương nói riêng. Qua đó, giúp truyền tải hình ảnh về một đất nước Việt Nam tươi đẹp, văn hóa đặc sắc, yêu chuộng hòa bình tới bạn bè quốc tế, góp phần quan trọng vào thúc đẩy giao lưu nhân dân, tăng cường tình hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, tăng cường sức mạnh mềm và đảm bảo an ninh quốc gia.

Theo baoquocte.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *